70 bức ảnh quý về chiến thắng Điện Biên Phủ do nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại chụp năm 1954 vừa được ra mắt công chúng trong Triển lãm 'Bản hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ'.
Bộ ảnh chiến tranh duy nhất được chụp từ lúc họp bàn và mở màn cho đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, do nghệ sĩ, chiến sĩ Triệu Đại thực hiện vừa được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội). Những bức ảnh này đã đem lại cho tác giả Giải thưởng Nhà nước đợt I năm 2001.
Nổi bật tại triển lãm là bức ảnh khổ lớn 6m x 1m, chụp 7 kiểu bằng phim đen trắng liền nhau ghép lại, mô tả toàn cảnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ngoài ra, trong số hàng nghìn bức ảnh chụp về Chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, Ban tổ chức và gia đình đã chọn ra 70 bức ảnh, tương ứng với 70 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, để đưa tới công chúng.
Bức ảnh Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) năm 1953.
Ngày 13/3/1954, phát súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Đạn pháo của ta bắn chính xác vào nóc hầm của Bộ Chỉ huy quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh.
Máy bay B29 của không quân Pháp và phi công đầu tiên bị bắt sống tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ.
Quân ta bắt tù binh trên đồi A1, Điện Biên Phủ.
Các phi công Pháp bị bắt tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Quân ta reo mừng chiến thắng trên xác máy bay Pháp tại sân bay Mường Thanh.
Tướng De Castries và Bộ tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống.
Lính Pháp ra hàng qua cầu Mường Thanh.
Dẫn giải tù binh Pháp về hậu cứ.
Quân Pháp lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng trên cánh đồng Mường Thanh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920, mất năm 1992, tại thôn Triều Khúc (xưa gọi là Đơ Thao), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo ở Hà Nội. Từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về Đô thị Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây.
Ông mở hiệu ảnh "Triệu Đại ảnh quán", đây cũng là trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê Nin và ông là Bí thư Đảng bộ đầu tiên ở Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ. Cuối năm 1947, ông được điều động vào quân đội, là phóng viên ảnh tại Chiến dịch Biên giới 1950. Ông đã chụp nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử chân thực về Chiến dịch Biên giới; chụp ảnh Bác Hồ với bộ đội; các trận đánh Đông Khê, Thất Khê; tù binh Pháp ra hàng…
Ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì về công tác nhiếp ảnh tại mặt trận biên giới. Sau Chiến thắng Biên giới 1950, ông tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952...
Sau đợt chỉnh quân chính trị, Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động “đi chiến dịch Trần Đình" - mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ chính của ông là phóng viên nhiếp ảnh mặt trận.