Ngày 14/9, UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã có văn bản gửi Sở GTVT, Sở NN-PTNN, Ban QLDA Thăng Long về việc đề xuất thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.
Trước đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam nhận được văn bản đề xuất của Ban QLDA Thăng Long về việc thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan Km24+348, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Qua khảo sát thực tế ngày 30/8, UBND huyện Hàm Thuận Nam ghi nhận, đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng sông Phan có chiều dài 1,5km, chiều rộng lòng sông tính từ hai bên bờ khoảng 25m.
Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến thanh thải, khơi đào có 7 cù lao nhỏ nằm giữa sông, trên cù lao có nhiều cây tre và cây lùm bụi mọc um tùm. Ngoài ra, 2 bên dòng sông Phan có nhiều cây lùm bụi, tre và cây tạp, do đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông.
UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu, trong quá trình triển khai thanh thải, khơi lòng sông không được tác động làm sạt lở hai bên bờ sông gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Phải liên hệ với địa phương để bố trí bãi đổ thải khi khơi đào các cù lao giữa sông và trong quá trình thanh thải có những cây là cây lấy gỗ thì phải thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Trước đó sáng 29/7, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập sâu tại km25+416 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo Ban QLDA Thăng Long, nguyên nhân bước đầu xác định gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước sông Phan dâng cao, chảy ngược vào hạ lưu cống Km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.
Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông Phan nhằm tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước trên sông qua đoạn này.