Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên giao dịch kịch tính trong ngày 20/10. Với đà lao dốc từ các phiên trước, VN-Index giảm thêm 10 điểm trong buổi sáng nhưng bất ngờ tăng vọt trở lại trong phiên chiều, chung cuộc tăng hơn 20 điểm, kết thúc một phiên 20/10 tốt đẹp với nhiều nhà đầu tư.
Mở cửa phiên giao dịch 20/10, sự thận trọng vẫn bao trùm trên khắp thị trường sau vài phiên các nhà đầu tư bị “đánh úp” trong phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ cuối phiên (ATC). Đa số các cổ phiếu chịu áp lực bán ra và thị trường chung có lúc giảm 10 điểm.
Tuy nhiên, sức cầu tăng khá nhanh trong phiên chiều, với sự bứt phá của nhiều nhóm ngành, trong đó có bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, dầu khí, tiêu dùng, thép, công nghệ…
Nổi bật nhất là nhóm bất động sản, trong đó có cổ phiếu Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Chốt phiên giao dịch, cổ phiếu Vinhomes (VHM) tăng 2.000 đồng (+4,7%) lên 44.500 đồng/cp với gần 3,2 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh, trong đó khối ngoại mua thỏa thuận một khối lượng lớn (19,2 triệu cổ phiếu, trị giá 816 tỷ đồng). Cùng với các cổ phiếu bất động sản khác, Vinhomes kéo thị trường chứng khoán lội ngược dòng.
Tính cả giao dịch khớp lệnh, khối ngoại mua ròng 18,7 triệu cổ phiếu Vinhomes của tỷ phú Vượng, trị giá gần 800 tỷ đồng.
Đây cũng là mã cổ phiếu góp phần lớn nhất giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh.
Vinhomes tăng mạnh trở lại trong bối cảnh cổ phiếu này xuống sát mức thấp lịch sử. Trong phiên 19/10, VHM đã xuống 42.500 đồng/cp, chỉ còn cao hơn chút ít so với mức giá thấp kỷ lục 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận hồi tháng 3/2020 và hồi đầu tháng 2/2023.
Các cổ phiếu “họ Vin” gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) gần đây giảm mạnh theo xu hướng chung của thị trường và những áp lực mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải.
Tuy nhiên, sự hồi phục của cổ phiếu Vinhomes trong phiên 20/10 đã thúc đẩy sức cầu ở nhiều mã bất động sản và ngân hàng khác, qua đó giúp thị trường chứng khoán đảo chiều, kết thúc 4 phiên giảm sâu liên tiếp.
Một số mã bất động sản tăng trần, trong đó có CEO, DIC Corp. (DIG), Đất Xanh (DXG), Hà Đô (HDG), Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC), Nam Long (NLG)…
Trên thực tế, một số báo cáo gần đây vẫn thận trọng với triển vọng của nhóm bất động sản do thị trường còn ảm đạm, sức cầu yếu, pháp lý cần thêm thời gian để tháo gỡ, lãi suất cao, gánh nặng nợ lớn, nợ trái phiếu nhiều và sắp đáo hạn mạnh vào cuối năm 2023 và trong năm 2024…
Doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn được đánh giá là yếu ớt giống như cả năm vừa qua. Trong trường hợp Vinhomes, doanh thu ghi nhận từ các dự án trước đó (như Ocean Park) sẽ không còn nhiều.
VNDirect cho rằng, doanh thu Vinhomes sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm, sau đà tăng trưởng mạnh mẽ gần đây.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản còn nhiều khó khăn như Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR), Hải Phát (HPX)…
Novaland của ông Bùi Thành Nhơn vẫn đang đẩy mạnh tái cơ cấu nợ. Trong khi đó đại gia bất động sản Hải Phát Invest (HPX) của Chủ tịch Đỗ Quý Hải vẫn ghi nhận những biến động bất thường. Vốn hóa bốc hơi mạnh và có tín hiệu đổi chủ.
Một số doanh nghiệp bất động sản lớn kín tiếng và có các dự án khủng tại Việt Nam chìm trong nợ nần như trường hợp CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDIC). Hiện doanh nghiệp này âm vốn 1.557 tỷ đồng và nợ 97.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lớn phải từ bỏ các dự án đất vàng, chuyển nhượng bán cho các đối tác khác như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bán khách sạn gần đây.
Hải Phát bán Hospitality Nha Trang; Danh Khối (NRC) bán dự án Tháp ven sông ở Đà Nẵng; Idico (IDC) bán dự án khu đô thị cho AEON để làm trung tâm thương mại tại Long An; Du lịch Vinaconex (VCR) chấm dứt hợp tác tại Cát Bà Amatina…