Theo báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20/4/2022. Quy hoạch được nghiên cứu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, cấu trúc tổng thể của Quy hoạch được tổ chức phát triển theo 4 tiểu vùng và 5 hành lang phát triển. Định hướng phát triển ngành kinh tế chính theo chuỗi không gian các ngành công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; không gian du lịch vùng.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng Vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước. Bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực đến năm 2030, trong đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46% và dịch vụ chiếm 37 - 38%. GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm vào năm 2030, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch cũng tổ chức không gian phát triển và xác định phương hướng phát triển các ngành kinh tế, hình thành các hành lang phát triển, liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, du lịch, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn và hệ thống cửa khẩu…
Kết luận cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 vào chiều 21/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, Vùng phải có bước phát triển mạnh mẽ trong việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với tiềm năng và lợi thế, gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Nhấn mạnh, Quy hoạch vùng cần có cách tiếp cận khoa học, bài bản, đánh giá đúng vai trò, vị trí của vùng trong phát triển chung cả nước; từ đó, xác định những vấn đề liên địa phương, liên vùng, quốc gia… cần giải quyết, nhằm tạo động lực mới, khơi dậy nguồn lực trên cơ sở lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa… để vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển, Phó thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, nhà chuyên gia, các tỉnh nhận diện được thế mạnh, đặc thù về tài nguyên thiên nhiên để tìm ra giá trị khác biệt, xây dựng chiến lược Vùng phát triển bền vững trên cơ sở phát huy được tiềm năng thế mạnh từng vùng và có tính liên kết cao, bổ trợ cho nhau.
"Kiên quyết theo đuổi kinh tế bền vững xanh - bền vững - giàu bản sắc văn hóa bản địa và thân thiện với môi trường. Không chạy theo kinh tế nóng, lạm dụng đô thị hóa lấn át mất đi văn hóa bản địa đặc trưng", Phó thủ tướng yêu cầu.
Hải Vân