- Hiện tượng mất nước cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khiến cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.

Mất nước, cả tuần không dám tắm

Nằm trong khu vực mất nước kéo dài, chị Hoàng Kim Yến (Xóm Đồng - Trường Chinh - Hà Nội) than thở: “Gần 2 tuần nay, bể nước dự trữ của nhà mình khô phơi đáy, không còn lấy một giọt. Do vậy, để có nước sinh hoạt, mình đã phải đầu tư 2 cái can nhựa loại 20 lít rồi sang tận nhà em gái ở Hà Đông để xin nước về dùng. Vì ở quanh đây, mấy chục hộ dân đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, ai cũng quý nước như vàng, nên tiết kiệm từng giọt.

Nước xin về cũng chỉ được dùng cho những việc hết sức cần thiết, với quy trình tiết kiệm tối đa như: Nước vo gạo sẽ dùng để rửa rau. Nước rửa rau sau khi được để cho lắng cặn sẽ dùng cho việc rửa bát, nước rửa bát sẽ được dồn lại làm nước dội nhà vệ sinh... Và để tiết kiệm hơn, bọn mình còn không dám mua những loại rau phải rửa cầu kỳ như rau muống, rau bí, rau dền... mà thay bằng bầu, bí, mướp để đỡ tốn nước rửa”.

“Còn việc tắm giặt thì phải hạn chế tuyệt đối. Không ai được phép tắm giặt ở nhà, vì không đủ nước. Muốn tắm cả nhà lại phải chở nhau đến bể bơi, hoặc sang nhà cô em gái ở Hà Đông để tắm nhờ” - chị Yến nói.

{keywords}

Đã 2 tuần nay, người dân khu xóm Đồng - Trường Chinh - Hà Nội vẫn phải đi xin từng can nước về dùng.

Nằm cùng ngõ với chị Yến và cũng chung cảnh ngộ bị mất nước hơn một chục ngày nay, nhưng chị Linh lại không may mắn có anh em họ hàng ở gần như chị Yến.

Từ khi mất nước, chị Linh đành phải mua mỗi ngày một bình nước lọc giá 20 nghìn để sử dụng cho tất cả các sinh hoạt của một gia đình 3 nhân khẩu. Sự thiếu nước trầm trọng đã khiến cho cả gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.

Chị Linh kể: “Cả khu mất nước được 2 hôm thì Hà Nội bắt đầu vào đợt nắng nóng đỉnh điểm. Thế là cả 1 tuần liền, 2 vợ chồng không có lấy một giọt nước để tắm. Cả cơ thể “bốc mùi” đến mức mình không dám ra khỏi nhà. Chỉ thỉnh thoảng đi chợ nhưng cũng phải nhìn trước ngó sau, tránh đứng những chỗ đông người vì sợ người ta phát hiện ra mình “bốc mùi” thì... xấu hổ”.

Khách đến không dám mời vào nhà

Đối với các hộ dân ở khu vực thành thị, không có nước để sinh hoạt, không có nước để tắm, giặt cả một tuần đã là khổ, nhưng khổ nhất vẫn là khoản... đi vệ sinh.

{keywords}

Ngay giữa Thủ đô, nhiều người dân khốn khổ sống trong cảnh mất nước, phải tiết kiệm và dự trữ từng giọt.

Bà Đào Thị Lê (ngõ 254 - Trường Chinh - Hà Nội) tâm sự: “Ở nhà tôi, để có nước dội nhà vệ sinh, tôi đã phải tiết kiệm từng giọt nước sinh hoạt, từ nước rửa rau, nước rửa bát... dồn lại. Tuy nhiên, với 1 xô nước xin được mỗi ngày để dùng cho mọi sinh hoạt của cả nhà thì dù tiết kiệm đến đâu cũng là không đủ.

Nên sau đó, cả nhà tự thỏa thuận, những người đi làm, học sinh đi học sẽ cố gắng “nhịn” cho đến khi đến cơ quan, công sở, hay trường học mới “giải quyết”. Còn những người ở nhà thì cũng phải hạn chế tới mức tối đa.

Ngặt nỗi, người ở nhà thì toàn là trẻ nhỏ, người giúp việc, và các ông bà già, người ốm đau bệnh tật nên khả năng “kiềm chế” lại kém, thành ra nước tiết kiệm đến đâu cũng không đủ dùng”.

“Cuối cùng, bất đắc dĩ, chúng tôi đành phải nghĩ ra cách: mỗi sáng, sau khi lần lượt mọi người vào nhà vệ sinh thì chỉ người cuối cùng mới được dội nước. Ấy thế mà, vẫn có đợt, 2, 3 hôm cả nhà không có giọt nước nào để dội nhà vệ sinh khiến cả ngôi nhà bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khách đến chơi tôi còn không dám mời vào nhà vì ngại” - Bà Lê thở dài.

Minh Minh