Ghi nhận của PV VietNamNet những ngày này, người dân buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến phố ở quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… Đặc biệt, các tiểu thương chiếm dụng từng mét vỉa hè ở phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm để bày bán đủ thứ hàng hoá. Nhiều tuyến phố, chủ các hàng quán cho nhân viên bày la liệt bàn, ghế trên vỉa hè thành "lãnh địa" riêng để bán hàng ăn.
Việc nhiều hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè thành nơi buôn bán buộc người dân, du khách phải đi xuống lòng đường trước cảnh ô tô, xe máy nườm nượp qua lại. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII, thực tế lực lượng chức năng các quận nội thành của TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Vì vậy, cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi".
“Muốn đạt được mục tiêu Hà Nội là thành phố đáng sống và là đầu tàu của cả nước về mọi mặt thì người dân phải được hưởng thụ những nét đẹp của Thủ đô văn minh, cổ kính. Do vậy, thành phố không nên để người dân lấn chiếm hết vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, còn người đi bộ thì cũng chẳng có lối mà đi”, bà Bùi Thị An nói.
Bà Bùi Thị An cho rằng, chính quyền các cấp của TP Hà Nội, đặc biệt là cấp quận, phường phải quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh đó cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè.
“Đối với những người mất việc làm thì cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy thì người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, bà Bùi Thị An cho hay.
Theo bà Bùi Thị An, ‘kinh tế vỉa hè’ là một phần ngành dịch vụ của TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, vỉa hè nào không. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.
Không ai có ‘sổ đỏ’ trên vỉa hè
Cùng vấn đề trên, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho rằng, cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần phải tìm hiểu những người lấn chiếm vỉa hè là ai và tại sao họ lấn chiếm.
“Nếu người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi mưu sinh thì TP Hà Nội phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ buôn bán ở nơi phù hợp. Khi thành phố đảm bảo chiến lược an sinh thì người dân sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Doãn Minh Tâm nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT ủng hộ những đề xuất cụ thể như vừa qua ngành giao thông kiến nghị UBND TP.HCM cho thuê vỉa hè có diện tích rộng làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa...
Theo ông Doãn Minh Tâm, nếu xét thuần túy về mặt giao thông thì vỉa hè phải dành cho người đi bộ. “Nhưng sử dụng công năng vỉa hè như thế nào cho hiệu quả thì mỗi địa phương cần phải nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách phù hợp quy định và đảm bảo lợi ích của xã hội”, ông Doãn Minh Tâm lưu ý thêm.
Theo TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông, chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, sử dụng vỉa hè không được chặt chẽ. Vì vậy, vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ.
“Tôi là người thường xuyên đi xe buýt nên phải đi bộ rất nhiều. Qua đó thấy rằng, vỉa hè hầu hết các tuyến phố bị chiếm dụng làm hàng quán hoặc điểm đỗ xe. Nhiều tuyến phố bị chiếm dụng, tôi phải đi bộ dưới lòng đường chung với ô tô, xe máy đang lưu thông, rất nguy hiểm”, ông Phan Lê Bình chia sẻ.
TS. Phan Lê Bình nêu nguyện vọng chính quyền các cấp của TP Hà Nội đưa vỉa hè về đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là phục vụ người đi bộ.
“Nếu làm tốt công tác quản lý Nhà nước thì sẽ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi không ai có ‘sổ đỏ’ trên vỉa hè nên Nhà nước có toàn quyền đảm bảo vỉa hè được sử dụng cho mục đích gì”, ông Phan Lê Bình nói thêm.