Mùa xuân là thời điểm phụ huynh và học sinh Trung Quốc tất bật 'tìm lá dâu'. Theo đó, nhiều trường tiểu học hiện nay có nội dung tìm hiểu về Vòng đời động vật, yêu cầu học sinh hiểu về các giai đoạn, đặc điểm của tằm qua việc nuôi và quan sát. Dù việc nuôi tằm được giao cho học sinh tiểu học, thực tế lại trở thành gánh nặng của phụ huynh.
Mục đích yêu cầu trẻ nuôi tằm không chỉ truyền đạt kiến thức khoa học thực tế, còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm. Qua đó, có thể lồng ghép bài học về giáo dục luân lý cuộc sống, giúp trẻ hiểu được giá trị của sự sống và biết trân trọng sinh vật khác.
Nhưng xét từ góc độ thực tế, công việc nuôi tằm không dễ dàng đòi hỏi sự kiên trì và cần mẫn. Do đó, tin tức 'bố mẹ đi tìm lá dâu lúc nửa đêm cho con' hoặc 'cây dâu bị bố mẹ hái trụi' thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.
Điều này gây ra những tranh cãi nảy lửa về 'mùa săn lá dâu' là bài tập giáo dục học sinh hay đánh đố phụ huynh. Không ít người cho rằng, bài tập về nhà ngày nay tưởng chừng để mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành cho trẻ. Thực tế điều này vượt quá khả năng của học sinh, dẫn đến việc trở thành "bài tập dành cho phụ huynh".
Hoạt động 'mùa xuân tìm lá dâu, mùa thu nhặt lá rụng' được ví là công việc quanh năm của phụ huynh. Còn học sinh đóng vai trò thụ động trong việc hoàn thành bài tập, phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình. Khi bài tập thực hành đi chệch khỏi mục đích ban đầu, không chỉ làm tăng gánh nặng cho phụ huynh, còn khiến học sinh hình thành thói quen ỷ lại.
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục Trung Quốc kêu gọi, không để phụ huynh thành 'trợ giảng' cho nhà trường và giáo viên. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh, tránh để tình trạng bài tập về nhà của học sinh trở thành dành cho phụ huynh. Nghĩa là giáo dục thực tiễn phải chú trọng tính hiệu quả và phương pháp. Khi mọi thứ vượt quá giới hạn phù hợp, không tránh khỏi sự biến đổi về chất.
Sau câu chuyện này, chủ đề làm thế nào để không biến bài tập về nhà thành của phụ huynh được đặt ra. Nhìn vào thực tế sẽ không có giải pháp cụ thể mang tính tối ưu. Lấy việc nuôi tằm làm ví dụ, không nhất thiết bắt mỗi học sinh phải hoàn thành bài tập độc lập.
Thay vào đó, nhà trường có thể cân nhắc đến việc chia nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên để tập trung hoàn thiện bài tại trường. Học sinh sẽ thay phiên nhau nuôi dưỡng và quan sát sự sinh trưởng của tằm.
Việc nhà trường giao bài tập cho học sinh cần căn cứ vào tình hình thực tế và có giải pháp thay thế linh hoạt. Mặt khác, phụ huynh không nên làm mọi việc cần hướng dẫn con phát huy trí tưởng tượng và thử các phương pháp khác nhau. Hợp tác giải quyết vấn đề cùng con trước những thử thách.
Quá trình giáo dục trẻ cần sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Mục tiêu cuối cùng của việc này nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, đưa giáo dục trở lại đúng bản chất.