Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải nhận thức rõ rằng muốn phát triển kinh tế, xã hội số và cung cấp dịch vụ cá thế hóa cho người dùng thì cần phải chuyển đổi sang IPv6.
78% bộ, tỉnh đã chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội nghị tổng kết giai đoạn 1 chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 (chương trình IPv6 For Gov), triển khai nhiệm vụ năm 2023 và giai đoạn 2, từ năm 2023 – 2025 của chương trình IPv6 For Gov.
Được phê duyệt từ tháng 1/2021, chương trình IPv6 For Gov hướng tới tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 của thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, việc triển khai kế hoạch chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6 nói chung và chương trình IPv6 For Gor nói riêng, đến nay đã có được những bước tiến quan trọng. Việt Nam đã khẳng định vị thế trong bảng xếp hạng thế giới về chuyển đổi IPv4 sang IPv6. “Đây là kết quả sự nỗ lực, tích cực của VNNIC và các bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp”, Thứ trưởng đánh giá.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT, tính đến nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt khoảng 53%. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 10 toàn cầu về chuyển đổi sang IPv6. Dịch vụ IPv6 cũng được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng truy cập Internet với IPv6 qua FTTH, mobile…
Đặc biệt, hoạt động chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước đã thay đổi rất tích cực trong 2 năm qua. Các chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov đều đã được hoàn thành vượt mức.
Cụ thể, 94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, vượt 88% so với mục tiêu; 78% bộ, tỉnh đã chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công, vượt 55% mục tiêu. Cùng với đó, VNNIC và các đơn vị tổ chức đào tạo 28 khóa cho 1.318 cán bộ IPv6, tăng gấp 2,6 lần so với mục tiêu tới năm 2025. Ngoài ra, nhiều hoạt động về định hướng chính sách, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cũng đã được triển khai.
Chia sẻ kinh nghiệm của một đơn vị đã hoàn thành sớm nhiều nội dung công việc trong kế hoạch chuyển đổi sang IPv6, ông Chu Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngoài quyết tâm của đơn vị triển khai, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với VNNIC và các nhà mạng.
Là một địa phương đã triển khai chuyển đổi tốt trong giai đoạn 1, đại diện Sở TT&TT Quảng Nam cho hay, tỉnh đã chọn phương án triển khai để không làm thay đổi kiến trúc hệ thống và ít gây gián đoạn dịch vụ, có thể chia làm nhiều giai đoạn nhằm giúp cán bộ chuyên trách có thời gian làm quen, làm chủ công nghệ.
Vấn đề sống còn với tiến trình chuyển đổi số
Các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất rằng, những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 là tiền đề quan trọng để bước sang giai đoạn 2023 - 2025 của chương trình IPv6 For Gov. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang, việc triển khai chuyển đổi IPv6 hiện còn tồn tại một số vấn đề lớn như tỷ lệ chung tăng trưởng chậm, có những thời điểm bị giảm; tỷ lệ thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 còn thấp, trong đó còn 45 – 50% điện thoại di động chưa hỗ trợ công nghệ này. Cùng với đó, hạ tầng CNTT cơ quan nhà nước chậm chuyển đổi IPv6, nội dung IPv6 trong nước còn thấp; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa tích cực, phần lớn là chưa triển khai.
Ở góc độ doanh nghiệp hạ tầng, đại diện Viettel, VNPT, MobiFone, FPT đều lưu ý cần đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi IPv6 cho thiết bị đầu cuối và các dịch vụ nội dung, bởi hiện nay tỷ lệ thiết bị đầu cuối và các trang nội dung hỗ trợ IPv6 còn thấp.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2, IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only.
Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã chỉ đạo VNPT, Viettel đồng bộ, triệt để kích hoạt dịch vụ IPv6, hỗ trợ các cơ quan nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin, cổng dịch vụ công và mạng truy cập. Các doanh nghiệp chủ động cung cấp các gói dịch vụ vụ tư vấn, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT… cho cơ quan nhà nước.
Riêng với năm 2023, Bộ TT&TT đặt mục tiêu cao cho công tác chuyển đổi IPv6, đưa tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt từ 60-70%. Bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương theo chương trình IPv6 For Gov, để đạt được các mục tiêu chuyển đổi IPv6 quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ cần đẩy mạnh, quyết liệt triển khai, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp chủ đạo gồm VNPT, Viettel, MobiFone, FPT. Đây là các doanh nghiệp đang cung cấp 96% dịch vụ cho người dùng Internet Việt Nam. Song song đó, là các doanh nghiệp ISP, Mobile, IDC, Cloud, nội dung số.
Nhấn mạnh đây là vấn đề sống còn để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6. Các doanh nghiệp đi đầu có trách nhiệm hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, có lộ trình cụ thể để chuyển đổi cho các thuê bao đầu cuối còn lại chưa hỗ trợ IPv6.
Với VNNIC, Thứ trưởng yêu cầu thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình chuyển đổi sang IPv6. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tham mưu tư vấn lãnh đạo Bộ các vấn đề chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi, hoàn thành mục tiêu chương trình IP 4G quốc gia cũng như duy trì và tăng thứ hạng chuyển đổi IPv6 của Việt Nam.
Mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025 là chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang IPv6, 100% thuê bao Internet Việt Nam hoạt động với IPv6; 100% doanh nghiệp IDC, Cloud, Hosting, nội dung số …cung cấp dịch vụ trên nền IPv6; Triển khai IPv6 only, IPv6 cho 5G, Cloud, IoT và nghiên cứu triển khai IPv6+.
Với hơn 50 triệu người dùng truy cập Internet với IPv6 qua FTTH, 3G và 4G, Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 10 toàn cầu về tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.
Các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng Sở TT&TT Hà Nội triển khai chương trình, hoạt động về viễn thông và phát triển hạ tầng số, quản lý tần số và thiết bị vô tuyến, tài nguyên Internet.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói rằng, Việt Nam có thể mở Internet sớm hơn, nhưng phải chuẩn bị cẩn thận cả về kỹ thuật, nhân lực, chính sách và quan trọng nhất là mặt tư tưởng.