Các ngành học Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự... đang được một số TikToker liệt kê là những bằng đại học vô dụng nhất.
"Không có bằng đại học vô dụng"
Về vấn đề này, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng, quan điểm phủ định hoàn toàn tác dụng của các ngành đào tạo đại học là không đúng.
Lý do, các ngành đào tạo đại học đều đáp ứng nhất định những nhu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu. Các quan điểm như vậy cần được chứng minh bằng căn cứ xác đáng, không thể kết luận bằng cảm quan cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Nam cần phải thực học, ngành nào cần đào tạo và học tập đúng chuẩn ngành đó, tránh những giá trị ảo về bằng cấp.
Trả lời câu hỏi có bằng đại học vô dụng không?, ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhấn mạnh: “Chỉ có người có bằng không sử dụng vì không phù hợp với lĩnh vực, không có bằng đại học vô dụng. Vấn đề bằng cấp hay ngành đào tạo đều được thẩm định và khẳng định bởi nhu cầu thị trường khi làm đề án mở ngành”.
Ông Lý khuyến cáo, TikTok có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh, phù hợp với giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tư vấn hướng nghiệp và tìm hiểu thông tin tư vấn hướng nghiệp trên Tiktok cần phải lưu ý nhiều vấn đề.
Cụ thể, thời lượng trên TikTok thường ngắn nên không thể truyền tải đầy đủ và đúng nội dung tư vấn; Thời điểm xem tin trên TikTok khó xác định, dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai thông tin, so với thời điểm viết bài, chẳng hạn như quy định, quy chế, mốc thời gian các năm khác nhau.
Người viết nội dung trên Tiktok không kiểm chứng nội dung, không chịu trách nhiệm về nội dung (khác so với các công bố của các đơn vị tuyển sinh). Những điều này có thể gây hiểu nhầm cho học sinh. Do vậy không nên nghe hoặc nghe có chọn lọc những TikToker chỉ để gây sốc, câu like, view…
Bởi những thông tin sai, sốc, dễ gây hiểu lầm đều ảnh hưởng đến tất cả các bên. Bên đưa thông tin sẽ mất uy tín, đối tượng đón nhận hiểu sai, dẫn đến làm sai và kết quả không như mong muốn, thậm chí mất cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường.
“Bằng cấp vô dụng là do người dùng”- một chuyên gia tuyển sinh ở TP.HCM nêu qua điểm. Theo ông, vấn đề này đã có nhiều ý kiến trái chiều, cụ thể như tốt nghiệp đại học ngành này nhưng lại sang ngành khác làm việc. Khi đó, họ sẽ bị hỏi là có bị phí phạm thời gian và tiền bạc đi học hay không.
“Thực sự là không phí phạm bởi kiến thức họ có ngày hôm nay là tổng hợp các kiến thức đã học và kiến thức từ xã hội nhận được. Xã hội phân công công việc tùy theo năng lực của mỗi người, nhưng phải có kiến thức cơ bản để có thể học tập thêm kiến thức ngành nghề mình muốn”- ông nói.
Chuyên gia tuyển sinh này nói thêm: “Bản thân tôi là một người học ngành toán, nhưng giờ lại làm quản lý và được gọi là trái ngành, nhưng tôi thấy kiến thức môn toán và các môn công nghệ giúp tôi rất nhiều trong công việc. Ngay như hiệu trưởng trường tôi cũng tốt nghiệp tiến sĩ ngành môi trường và điều này không liên quan đến kiến thức ông đã học. Nhưng người này vẫn làm rất tốt chức năng hiệu trưởng của mình”- chuyên gia nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện có nhiều người ôm khư khư tấm bằng mà không dám đột phá. Những người như vậy là người bảo thủ, và không có "đầu óc" đổi mới.
Có những người cả đời vẫn làm nghề đã học ở đại học, có người phải làm trái ngành nhưng quan trọng nhất là người thành công được học nữa, học mãi. Nếu có thể hãy là người đổi mới thường xuyên vì thành công sẽ đến sau khi tốn công sức, xương máu cho nó.
Đào tạo đại học, ngoài kiến thức còn nhiều kỹ năng
PGS Đỗ Văn Dũng, Nguyên hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn: “Không có bằng đại học vô dụng chỉ có kiến thức vô dụng”.
Lý do thứ nhất, theo ông Dũng, bậc đại học không phải đào tạo để làm một ngành nghề nào đó cụ thể mà là đào tạo cơ bản. Điều này giống như xây nhà chỉ làm cái móng. Có nghĩa kiến thức cơ bản là chính, do vậy doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ dựa vào kiến thức người học đã học ở bậc đại học và bắt người, học theo hướng làm việc của công ty.
Cho nên, những kiến thức được trang bị trong trường đại học là trang bị kiến thức tối thiểu cần thiết để người học ra trường. Với những kiến thức cơ bản, người học khó có thể làm việc được ngay và bắt buộc các đơn vị tuyển dụng sẽ phải đào tạo lại trên nền tảng kiến thức cơ bản.
Thứ hai, kiến thức vô dụng chỉ khi nào người học ra trường không xin được việc làm đúng ngành đã học. Cụ thể như một người học quản trị kinh doanh nhưng ra trường lại đi làm công việc bưng bê kiến thức đó sẽ trở nên vô dụng, nhưng cũng không có nghĩa là hoàn toàn vô dụng.
“Lý do là vì trong đào tạo đại học, ngoài kiến thức còn có kỹ năng nềm như giao tiếp, làm việc nhóm. Những kỹ năng này bất kỳ chỗ làm việc nào cũng cần kể, cả là làm công nhân”- ông Dũng nói.
Lý do thứ 3 theo ông Dũng, học đại học là nâng cao dân trí. Một người học đại học ra trường có thể thất nghiệp nhưng có nền tảng kiến thức và có thể sau này học thêm một lĩnh vực khác. Nhờ kiến thức đó, họ có thể không thất nghiệp, hạn chế các công việc gây hại cho xã hội như trộm cướp, lừa đảo… Vì vậy, nhìn nhận khách quan, chương trình đại học cũng giúp công dân có ích cho xã hội.
Ông Dũng nói thêm, hiện nay khối ngành kinh tế có chỉ tiêu tuyển sinh quá nhiều nhưng số công việc ít nên nhiều sinh viên ra trường đi làm trái ngành hoặc thất nghiệp, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố ví dụ như thị trường lao động.