Ngày 23/8 tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế mong muốn thông qua hội thảo tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số; phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam phải đối mặt; lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay.
Bà Nguyệt Nguyễn Phillips, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á của Netflix tin tưởng hội thảo này là một diễn đàn quan trọng để khu vực công và tư nhân cùng trao đổi ý kiến, hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn của hội thảo là việc công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam.
Nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp cho người nghe cái nhìn khá toàn diện gồm hệ thống chính sách vĩ mô, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và chính sách riêng cho từng ngành.
Từ đây, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Doanh nghiệp, cơ quan quản lý xây dựng mối quan hệ cùng một lợi ích
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị đang khai thác tốt các tác phẩm mỹ thuật trong môi trường số, là nơi ghé thăm của rất nhiều khách trong nước và quốc tế.
TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, dù là nơi lưu giữ nhiều báu vật mỹ thuật Việt Nam nhưng có thời gian dài, bảo tàng không phải là điểm đến thú vị, mỗi năm chỉ đón 50.000 lượt khách - con số quá khiêm tốn. Trong đó 90% là khách quốc tế, 10% khách trong nước chủ yếu nghiên cứu và quan tâm đến mỹ thuật.
“Hướng dẫn viên du lịch sợ vào bảo tàng vì không biết thuyết trình như thế nào. Vì vậy, lượng khách đến bảo tàng càng ít. Với thách thức như vậy, công nghệ là bài toán tháo gỡ khó khăn”, TS Nguyễn Anh Minh phát biểu.
Năm 2017, người đứng đầu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quyết định thay đổi và công nghệ số giúp họ làm điều đó.
“Chúng tôi xây dựng đề án trình Bộ VHTT&DL. Đây là dự án chưa có tiền lệ bởi sự hợp tác công - tư. Bộ VHTT&DL phải tìm ra chính sách phù hợp, chúng tôi góp về tài nguyên di sản, phía đối tác tư nhân hỗ trợ về công nghệ, vận hành khai thác. Năm 2021, sản phẩm dự án thuyết trình đa phương tiện với 8 ngôn ngữ ra đời, sắp tới là 9 ngôn ngữ, giúp khách tham quan trải nghiệm ở bất kỳ đâu. So với công nghệ cùng thời trong nước và trên thế giới đã đáp ứng nhu cầu đặt ra, được công chúng đánh giá cao”, TS Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Năm đầu tiên, tiền thu được từ khách tham quan trực tuyến là 600 triệu đồng. Thành công không chỉ về mặt kinh tế mà giới bảo tàng vui mừng vì giá trị văn hoá, lịch sử được giới thiệu rộng rãi.
“Sau 1 năm thực hiện, lượng khách tới bảo tàng tăng gấp đôi và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Thành công như vậy bởi chúng tôi sử dụng bài toán hợp tác công - tư rõ ràng, đôi bên cùng có lợi”, TS Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Lạm dụng AI trong công nghiệp sáng tạo sẽ không bền vững
Câu chuyện bắt tay giữa “doanh nghiệp - nhà nước” cũng là băn khoăn của nhạc sĩ Quốc Trung. Nhạc sĩ thẳng thắn bày tỏ, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì quy trình quản lý không theo kịp và thủ tục hành chính “tiêu chuẩn hoá như AI sẽ đơn giản hoá rất nhiều”.
Nhạc sĩ băn khoăn: “Rất nhiều bài hát đã được biểu diễn trên truyền hình nhưng xin phép lại có hội đồng duyệt xem lại bản nhạc, bài hát đấy như thế nào. Đó là sự lãng phí thời gian, công nghệ phát triển chỉ cần một cú click chuột là xong. Cơ quan nhà nước nên làm những việc có ích lợi hơn”.
Nói vậy nhưng suy nghĩ kỹ, nhạc sĩ Quốc Trung chợt nhận ra: “Không có một AI nào làm được công việc kiểm duyệt tại Việt Nam, nếu có chắc phải vài trăm năm nữa. Bởi ngôn ngữ tiếng Việt rất đa tầng đa nghĩa, cũng là một nội dung nhưng suy diễn thì rất kinh khủng”.
Nhạc sĩ Quốc Trung lấy ví dụ thực tế, bài hát Không còn mùa thu nếu suy diễn sẽ nghĩ: Mùa thu là mùa thu cách mạng, không còn mùa thu tức là không còn cách mạng.
Do đó, để giải quyết bài toán này, theo nhạc sĩ, phải xây dựng mối quan hệ doanh nghiệp - nhà nước cùng một lợi ích - vì sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá.
“Nếu chúng ta không xây dựng được quan hệ đồng nghiệp một cách chuyên nghiệp nhất thì xảy ra nhiều bất cập, đó là tình trạng ban phát, dạy dỗ người sáng tạo. Cơ quan quản lý cần trao trách nhiệm, tin tưởng doanh nghiệp mới có sự hỗ trợ để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong thời đại số, cần có sự quản lý rõ ràng sẽ giảm thiểu thời gian, mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ”, nhạc sĩ Quốc Trung phân tích.
Anh nhấn mạnh thêm, công nghiệp văn hoá có thể tận dụng AI nhưng năng lực sáng tạo thì không có AI nào làm được. Do vậy, lạm dụng AI trong công nghiệp sáng tạo sẽ không bền vững và nhanh chóng được sàng lọc. “Không có năng lực sáng tạo nào có thể vượt qua con người”, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc BHD cho rằng, với những gì Hàn Quốc làm được từ 1996 đến nay, Việt Nam có thể xem xét học tập chính sách văn hóa của họ vì hai nước có điểm tương đồng.
Bà Hạnh khẳng định, điện ảnh, âm nhạc… là tài sản trí tuệ, là sản phẩm mà người làm công nghiệp văn hoá tâm huyết.
Bà chia sẻ câu chuyện của đơn vị mình khi phát hành phim Cô ba Sài Gòn, một bạn trẻ quay và phát tán sản phẩm ấy sau ngày đầu ra mắt. Đại diện BHD đến công an trình bày, người quay lén bị phạt hành chính 3 triệu đồng và nói rằng không biết làm việc đó là sai.
“Ăn cắp xe máy thì bị đi tù, còn vi phạm tài sản trí tuệ đầu tư cả triệu USD thì bị phạt 3 triệu. Mang tài sản trí tuệ ra ngân hàng để vay tiền, họ không công nhận tài sản trí tuệ là tài sản. Nhìn top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay, họ chỉ có tài sản trí tuệ. Do đó, cần coi tài sản trí tuệ - sản phẩm của công nghiệp văn hoá là tài sản được định giá, có giá trị, phải được mọi người định hình, chấp nhận nó. Đó là gốc rễ của vấn đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số", bà Hạnh nhấn mạnh.