Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, báo cáo này sẽ được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV dự kiến ngày 23/5.
Ông nhấn mạnh đây là báo cáo rất quan trọng trước Quốc hội đòi hỏi có tính xây dựng, rất thẳng thắn nhưng cũng phải mềm dẻo toàn diện, nêu cả những mặt tốt, những điểm còn băn khoăn trăn trở, lo lắng, do vậy việc nâng cao chất lượng của báo cáo. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, sau hội nghị sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Theo dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không có vùng cấm.
Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao, vụ án thao túng thị trường chứng khoán ở tập đoàn FLC; vụ đấu giá đất bất thường và phát hành trái phiếu có dấu hiệu lừa đảo của công ty Tân Hoàng Minh…
Đóng góp một số ý kiến, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cơ bản nhất trí với dự thảo của báo cáo và cho rằng, cử tri rất phấn khởi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, nhất là trong kỳ nghỉ vừa qua.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua một số vụ việc gần đây, bà nhận thấy Ban chỉ đạo Trung ương rất quyết liệt, nhân dân đồng tình, ủng hộ cao: “Có những người dù là lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo ở địa phương…nhưng nếu có sai phạm đều được đưa ra như một số vụ án liên quan đến đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng”, bà nói.
Cử tri vô cùng bất bình khi một số cá nhân lợi dụng dịch bệnh để nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đó là điều không thể chấp nhận, “tôi thấy là không có lương tâm và đề nghị cần trừng trị thích đáng”, bà nói.
Người dân rất bức xúc về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích, đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Bà nhắc đến phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 5 mới diễn ra “vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai…”.
Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" ở tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, thao túng cổ phiếu, chứng khoán. “Họ không cần gì đến danh dự, ngay cả khi họ đã giàu rồi”, bà nhấn mạnh và cho rằng không để người giàu lại giàu thêm, người nghèo lại thêm nghèo do hành vi làm ăn phi pháp.
Cũng bày tỏ sự bức xúc liên quan đến vụ Việt Á, GS Trần Ngọc Đường cho biết những người làm khoa học như ông đều hết sức phẫn nộ bởi vì nghiên cứu khoa học có kinh phí lớn nhưng chỉ sau 2 tháng đã nghiệm thu, tuyên truyền rầm rộ. Đến nay đã được các cơ quan chức năng chỉ ra các sai phạm, trong đó có liên quan đến một số cán bộ. Ông đề nghị tiếp tục “đấu tranh mạnh mẽ hơn trong vụ Việt Á, để không bỏ lọt ai”.
Còn nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Truyền cho biết, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại với hiện tượng các bị can trốn ra nước ngoài vẫn tiếp diễn và ngày càng khó khăn hơn, dẫn đến những lo ngại về các vấn đề liên quan. Do đó, trong báo cáo cần có cách thể hiện vấn đề này như thế nào để giải quyết được những dấu hiệu khó khăn trong phòng, chống tham nhũng, tránh để tiếp diễn tình trạng này trong thời gian tới.
Một vấn đề khác cũng được rất nhiều các đại biểu quan tâm, cho ý kiến đó là liên quan đến việc dạy và học môn lịch sử ở cấp THPT.
Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Mã Lương bày tỏ đồng tình với việc đề nghị Bộ GD&ĐT tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá một cách khác quan, toàn diện về việc đưa môn lịch sử bậc trung học phổ thông (THPT) là môn học tự chọn.
Thiếu tướng Lê Mã Lương kiến nghị ở với bậc THPT không tích hợp môn sử với môn học khác mà phải là môn học bắt buộc. Theo ông, ở bậc học này, việc trang bị dạy học lịch sử là rất cần thiết. Khi học sử một cách toàn diện, căn bản nhất thì sẽ trang bị hành trang vững vàng cho học sinh tốt nghiệp THPT bởi khi vào bậc đại học, chỉ có một số trường như trường có đào tạo chuyên sâu về lịch sử còn một số trường đại học cao đẳng khác coi việc học lịch sử chỉ là "học lướt" qua.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông; trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
"Nếu xét ở nhiều khía cạnh thì nhiều nội dung chương trình học không đúng với tinh thần giáo dục hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Chúng ta cần phải nhấn mạnh vai trò của môn học Lịch sử trong giáo dục", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Trần Thường