Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội mang tên TS. Hermann Gmeiner -  người sáng lập tổ chức nhân đạo quốc tế SOS, với mục đích cao cả là chăm sóc những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, không phân biệt màu da, nguồn gốc, tín ngưỡng, tôn giáo…

Trường Hermann Gmeiner tiếp nhận trẻ mồ côi không nơi nương tựa của Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS vào học; ưu tiên tiếp nhận những trẻ còn bố, mẹ và gia đình thuộc diện hộ nghèo, trẻ có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của gia đình và những học sinh khác có nhu cầu học tập.

Mỗi năm học gần đây, trường có khoảng hơn 1.000 học sinh, trong đó có hơn 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Những học sinh đến từ Làng trẻ em SOS Hà Nội được Làng trẻ em SOS Việt Nam cấp tiền học phí. Với những học sinh gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được nhà trường cấp học bổng Herman Gmeiner.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các trường chuyên biệt, đồng thời trực tiếp giáo dục học sinh khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, đào tạo từ trình độ phổ thông lên cao đẳng bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ giáo dục hòa nhập hơn 200 học sinh khuyết học tập ở các cấp mầm non và giáo dục phổ thông, đón nhận 12 đến 15 sinh viên khuyết tật nghe nói học tiếp lên trình độ cao đẳng. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo tốt nghiệp 1 khóa cao đẳng gồm 8 sinh viên khuyết tật.

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, thầy cô giáo và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường PTDL Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, thầy cô giáo và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường PTDL Hermann Gmeiner

Thủ tướng bày tỏ vui mừng, xúc động được tới thăm hai ngôi trường, được lắng nghe phát biểu của các thầy cô, chia sẻ của các em học sinh, được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật cho thấy tinh thần nỗ lực, sáng tạo của các em.

"Chúng ta chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ trong một ngày, một tháng, mà làm trường kỳ, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và nhu cầu của cuộc sống, của sự nghiệp giáo dục và đào tạo", Thủ tướng nói.

Nhắc lại những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…", Thủ tướng nhấn mạnh những câu thơ này luôn nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Nền giáo dục bình đẳng cho trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống vui tươi, an toàn, lành mạnh; coi đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài.

Theo Thủ tướng, công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân chăm lo, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi... theo tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đạo lý "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn" mà từ đời này qua đời khác, chúng ta luôn giữ gìn, trân trọng và phát huy.

Công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã đạt được những kết quả rất cơ bản, quan trọng, toàn diện, bao trùm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia, ủng hộ của nhân dân, nhiều trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới. Những rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng môi trường, hệ sinh thái giáo dục đào tạo lành mạnh, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các em, chăm sóc, giáo dục các em phát triển toàn diện cả về thể lực, trình độ, đạo đức, thẩm mỹ…, đặc biệt là khuyến khích, truyền cảm hứng, tạo động lực để các em tự tin, bản lĩnh, tự lực, tự cường vươn lên, có khát vọng sống, cống hiến…

Xử lý nghiêm việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường

Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm, mà trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo tinh thần giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; bố trí, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề, như tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; giáo viên xin thôi việc, bỏ việc, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực, bạo lực, xâm hại… đối với trẻ em.

Cùng với đó, phải khắc phục tình trạng phụ huynh phải xếp hàng dài để mua hồ sơ xét tuyển cho con em vào các trường công lập, trường điểm ở các lớp đầu cấp…; tình trạng sách giáo khoa "vừa thừa, vừa thiếu", trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy và trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học.

Thủ tướng lưu ý, cần ngăn ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, phân biệt đối xử; tăng cường giáo dục cho trẻ em kỹ năng sống, trang bị khả năng tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, kỹ năng phòng chống cháy nổ, tai nạn thương tích…

Thủ tướng cũng cho rằng, cần khắc phục tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để trẻ em tránh xa thiết bị điện tử, từ đó ngăn chặn những thông tin xấu độc, không lành mạnh trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai, gây ảnh hưởng lớn về tâm sinh lý đối với các cháu.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về người khuyết tật, trong đó có trẻ em khuyết tật, học sinh khuyết tật. Sớm trình ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Có giải pháp cải thiện cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp đối với đội ngũ thầy cô giáo các trường chuyên biệt.

Thứ ba, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ... cho học sinh. Tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng, những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng… trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ cao chịu tổn thương, để ngày càng ít đi và không còn những trường hợp đáng tiếc, đau lòng xảy ra.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành tổng kết mô hình, nghiên cứu, phát triển Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lớn mạnh, có vai trò dắt hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khác của các địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương phải coi việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, người yếu thế, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng, theo tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV