"Lãnh đạo bệnh viện đều muốn mua được thiết bị, vật tư, thuốc, không ai muốn bị 'bêu', bị bệnh nhân phàn nàn. Điều lo nhất là không biết mình làm chưa đúng”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết.
LỜI TÒA SOẠN
Sau đại dịch Covid-19, hầu hết bệnh viện công từ tuyến cơ sở đến trung ương ở Việt Nam đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Sáng 1/11, trả lời trong phiên thảo luận Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt là có tâm e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Vì sao tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gỡ mãi vẫn rối? để phản ánh câu chuyện thực tế từ các bệnh viện tuyến trung ương đến cơ sở.
Kỳ 1: Không giám đốc nào muốn bị bêu, bệnh nhân phàn nàn vì thiếu thuốc, vật tư y tế.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện hạng Đặc biệt, 50 phòng phẫu thuật luôn sáng đèn, mỗi ngày các bác sĩ mổ phiên khoảng 270 ca, thêm 30-40 ca mổ cấp cứu. Đại đa số trường hợp đến Bệnh viện Việt Đức là ca nặng, đòi hỏi rất nhiều vật tư, kỹ thuật cao.
Bệnh nhân đông khiến thời gian chờ đợi lâu hơn, gây áp lực cho bệnh viện trong việc phân loại, trong đó, cấp cứu phải ưu tiên. Theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện, việc gia tăng đột biến số ca khám, cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch dự trù mua sắm.
Vị lãnh đạo cũng thừa nhận có thời điểm Bệnh viện Việt Đức thiếu tương đối vật tư, thuốc, thiết bị. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định có tâm lý e dè trong mua sắm, nhưng “không phải ngại thì không mua mà càng phải làm chặt chẽ hơn”.
‘Gói thầu làm nhanh nhất cũng mất 4 tháng’
Theo ông Hùng, tình trạng thiếu này đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để gỡ vướng trong mua sắm đấu thầu, từ tháng 3 đến nay, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành một loạt văn bản. Tuy nhiên, việc thực hiện luôn có “độ trễ”.
Về bản chất, một bài thầu là xây dựng ra các tiêu chuẩn của vật tư muốn mua, thông qua các quy định về mua sắm, đấu thầu, để làm sao mua sắm được đúng chất lượng với giá rẻ. Mỗi công đoạn mua sắm đòi hỏi khoảng thời gian nhất định.
“Một gói thầu từ khi phê duyệt chủ trương dự toán, đến khi gọi được, nhanh phải 4 tháng. Nếu có những phát sinh phải làm rõ thì kéo dài hơn, thông thường trên 4-5 tháng, có gói 8 tháng”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc, một thực tế nhiều bệnh viện gặp phải là đấu thầu thành công, ký kết hợp đồng rồi, nhưng “bao giờ nhận được hàng lại là câu chuyện khác” do nguyên nhân khách quan.
“Tuần vừa qua, tôi nhận được 3 giấy của hãng trúng thầu xin chậm thời gian giao hàng”, ông Hùng nói. Nguyên nhân được đưa ra là ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình chiến sự, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Hùng lấy ví dụ, một hãng chuyên về dụng cụ mổ nội soi tốt, thế giới và Việt Nam đang dùng, vừa gửi công văn “không cam kết được thời hạn giao hàng”.
Không giám đốc nào muốn bị 'bêu', bị bệnh nhân phàn nàn
Cuối tháng 2, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức phàn nàn chuyện cạn kiệt vật tư, chỉ còn cách ưu tiên mổ cấp cứu, hạn chế mổ phiên, thầy thuốc phải kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi...
Sau hơn 7 tháng từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30, ông Hùng khẳng định không một bệnh nhân nào đến Việt Đức mà không được mổ. Riêng với thuốc, lãnh đạo bệnh viện này nói "đảm bảo được".
“Không có bệnh nhân nào, đặc biệt là cấp cứu, phải hoãn mổ vì thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư”, ông khẳng định.
Tháng 8, Tiến sĩ Hùng được bổ nhiệm giữ vị trí giám đốc bệnh viện. Ông nói việc đầu tiên khi ông về đây là yêu cầu các bộ phận đánh giá tình hình vật tư, đẩy nhanh mua sắm, điều chỉnh quy chế mua sắm nội bộ; vận dụng các hình thức mua sắm khẩn cấp, đặc biệt, khi có nhu cầu, đưa ra tập thể lãnh đạo bệnh viện quyết.
Ví dụ, các bộ phận báo cáo 3 ngày nữa hết dụng cụ cần thiết cho bệnh nhân hồi sức nhưng không có vật tư thay thế, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe bệnh nhân. Với đề xuất bằng văn bản của đơn vị hồi sức và báo cáo số liệu của phòng Vật tư, Ban giám đốc xem xét nhận định tính cấp thiết, sẽ quyết định hình thức mua sắm khẩn cấp, giao hàng nhanh.
“Tất cả hệ thống lãnh đạo tham gia, bất kể ngày nghỉ hay ngày thường, mọi người cùng vào cuộc chứ không riêng phòng vật tư hay giám đốc”, ông nói.
Đồng thời, trong hệ thống mua sắm cũng lập thành các nhóm, trong đó có nhóm là trưởng phòng vật tư các bệnh viện lớn để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bài thầu, giúp đẩy nhanh tiến độ làm thầu trong một số trường hợp.
Ông khẳng định: "Tất cả lãnh đạo bệnh viện đều muốn mua được thiết bị, vật tư, thuốc, không ai muốn bị 'bêu', bị bệnh nhân phàn nàn. Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng chỉ mong làm đúng, không ai muốn làm sai. Cái lo nhất là mình không biết là làm chưa đúng”, ông Hùng nói.
Thực tế, hầu hết lãnh đạo bệnh viện đều xuất thân từ bác sĩ chuyên môn, sau đó mới đi học về công tác mua sắm. “Dù học thế nào vẫn là nghiệp dư, trong khi các tình huống trong làm thầu muôn hình vạn trạng, đòi hòi trình độ chuyên nghiệp rất cao”, ông Hùng thừa nhận.
Lãnh đạo bệnh viện khẳng định người làm bài thầu đều có tâm lý lo lắng, sợ chịu trách nhiệm. Theo ông Hùng, nỗi sợ này đến vì “không hiểu biết”. Vì thế, bệnh viện phải có cách để người làm thầu nâng cao hiểu biết, giải quyết nỗi lo lắng đó.
Một tháng nay, bệnh viện yêu cầu tập hợp những vấn đề khúc mắc chưa hiểu rõ khi làm thầu từ tất cả bộ phận. Trong tuần này, bệnh viện mời chuyên gia cao cấp về đấu thầu về giúp tháo gỡ, tư vấn, giải đáp.
Thuê tư vấn làm thầu nếu cần thiết
Theo kinh nghiệm của Bệnh viện Việt Đức, cần phân quyền rõ cho các bộ phận, trách nhiệm của từng trưởng nhóm, giao thời gian cần tuân thủ hoàn thành, nếu không đảm bảo phải giải trình trước giám đốc.
“Phải giải quyết bằng trí tuệ tập thể, không phải là một cá nhân. Việc xây dựng hồ sơ thầu là hội đồng khoa học, có tham khảo ý kiến các bệnh viện và sự hỗ trợ của các chuyên gia về đấu thầu, thậm chí có những gói thầu phải thuê tư vấn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi mỗi ngày tiếp nhận khám khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân, hơn 2.000 bệnh nhân nội trú, gần 100 trẻ phải thở máy và 100 bé phải thở oxy, việc đấu thầu, mua sắm, cũng được đảm bảo.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết ngoài xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng, bệnh viện thành lập hội đồng khoa học chuyên sâu và nhiều hội đồng nhỏ.
Việc thành lập song song các hội đồng mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế; mua sắm vật tư - sinh phẩm xét nghiệm nhằm chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế… Bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng này.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chia ra nhiều gói thầu khác nhau. Riêng về trang thiết bị, vật tư sẽ chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.
Theo ông Hùng, máy móc, vật tư, thuốc men là "vũ khí" của thầy thuốc. Vì thế, trong tương lai, việc mua sắm cần có quy định mang tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù.
"Theo cách mua sắm của các nước, những mặt hàng có tính chất ảnh hưởng đến an ninh xã hội thì đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đây là cách huy động được những gì tinh túy nhất trong mua sắm đấu thầu, có thể đàm phán được giá với giá thấp nhất, giúp các đơn vị y tế giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sai sót, nhầm lẫn khi làm thầu", ông Hùng đề xuất.
Ngày 1/11, nêu ý kiến về tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế trên nghị trường, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh viện này trực thuộc Bộ Y tế nên được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Khó khăn nhất hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới.
Trong khi đó, bệnh viện cấp tỉnh đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND, tình trạng "sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở".
PGS Hiếu đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh.
Kỳ 2: 'Tôi phải tự tìm mua dao mổ, kim truyền cho cha trước ca phẫu thuật'