Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc Chăm là một dân tộc sinh sống lâu đời trên dải đất miền Trung Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, họ đã đạt đến một trình độ cao về tổ chức xã hội, có mối giao lưu rộng rãi, đa chiều với nhiều thành phần cư dân vùng lục địa và hải đảo châu Á. Từ nguồn gốc bản địa, cải biến những yếu tố bên ngoài, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hoá đa dạng và độc đáo. 

Ngày nay, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…

Trong nghệ thuật tạo hình, người Chăm đã để lại di sản kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở TP Đà Nẵng là nơi trưng bày nhiều hiện vật quý của người Chăm khu vực miền Trung. 

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện nay là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị, với hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Hầu hết đây là những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum, được chuyển về bảo tàng trong nhiều thời gian khác nhau, thể hiện trên ba chất liệu sa thạch, đất nung và đồng. 

Các tác phẩm này có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau và có tính nối tiếp theo lịch đại, như phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu, phong cách Chánh Lộ, phong cách Tháp Mẫm. Đặc biệt, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn lưu giữ, trưng bày 6 bảo vật Quốc gia. 

Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chămpa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đài thờ Trà Kiệu là kiệt tác điêu khắc thời Chămpa được trưng bày tại phòng trưng bày Trà Kiệu ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đài thờ được làm bằng sa thạch, có niên đại thế kỷ VII – VIII. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất còn lại nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ Yoni tròn ở trên. Các bộ phận của đài thờ được sưu tầm tại Trà Kiệu, nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Những tác phẩm điêu khắc thể hiện sự tài hoa của người Chăm xưa. 

Yaksa là tên gọi những vị thần thiên nhiên thường gặp trong giai đoạn đầu của nghệ thuật Ấn Độ. Vị thần ngồi trong tư thế xếp bằng, hai tay đặt trên đùi. Có thể thấy ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Gupta ở Ấn Độ (thế kỷ 4 - 6) qua mái tóc xoăn và những đặc điểm trên khuôn mặt. 

Quá trình thu thập những tác phẩm điêu khắc Chămpa bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX. Nhiều hiện vật đã tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận và được tập trung về địa điểm này, với tên gọi lúc đó là “công viên Tourane”.

Ý tưởng xây dựng Bảo tàng để lưu giữ các tác phẩm điêu khắc Chămpa tại Đà Nẵng manh nha từ những năm 1902. Sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, toà nhà đầu tiên đã được khởi công xây dựng năm 1915, hoàn thành năm 1916 và mở cửa đón công chúng từ năm 1919.

Thiết kế tòa nhà ban đầu là của hai kiến trúc sư người Pháp, Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Henri Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của các đền tháp Chămpa. Sau hơn 100 năm, dù trải qua nhiều lần mở rộng nhưng những đặc trưng kiến trúc ban đầu hầu như còn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Vào những năm 1930, Bảo tàng được thi công mở rộng lần thứ nhất. Không gian của toà nhà gần 1.000m2 được bố trí thành những phòng trưng bày cơ bản định hình lộ trình tham quan đến ngày hôm nay, bao gồm: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

Đến năm 2016, thành phố thực hiện dự án trùng tu toàn bộ các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày. Mục đích của dự án nhằm liên kết các tòa nhà của bảo tàng thành một lộ trình tham quan tổng thể.

Trong đó, phần không gian trưng bày chính trưng bày các bộ sưu tập điêu khắc Champa, còn lại là các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm, âm nhạc, lễ hội và nghề truyền thống của người Chăm tại Ninh Thuận hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng hai và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.

Bò thần Nandin là linh vật hầu cận trung thành của thần Siva. Những bức tượng Nandin thường được đặt trước các tháp thờ thần Siva. 

Bức tượng thần gác cửa. Thần đeo hoa tai trang trí hình rắn ba đầu, sợi dây Bà-la-môn vắt chéo thân mình và chiếc mũ miện nạm ngọc. 

Đoàn thanh, thiếu niên kiều bào dự Trại hè Việt Nam 2023 tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. 

"Mỗi hiện vật ở đây đều có câu chuyện riêng, thông qua đó em hiểu hơn về văn hóa của người Chăm. Người Chăm có một nền văn hóa rất đặc sắc", bạn Phùng Minh Thông (Ba Lan) chia sẻ. 

Người Chăm đã vận dụng những gì có trong tự nhiên, như hình ảnh các loài hoa, các con thú, các đường gấp khúc, các hình lượn sóng… để đưa vào nghệ thuật điêu khắc và cách điệu lên thành những hoạ tiết hoa văn đẹp mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà khảo cổ Pháp phát hiện, khai quật năm 1903 trong khối đổ nát của tháp E1 thuộc khu đền tháp Chămpa ở Mỹ Sơn, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 2012, Đài thờ Mỹ Sơn E1 được công nhận Bảo vật Quốc gia. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Ấn Độ giáo cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật một cách chi tiết.

Học tập và tiếp thu có chọn lọc các nền văn hoá, người Chăm có sự sáng tạo riêng không lẫn với bất kỳ nền nghệ thuật nào ở khu vực Đông Nam Á, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trong sáng tác nghệ thuật và tiếp thu văn hoá.

Bên cạnh đội ngũ hướng dẫn viên, thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh, bảo tàng đã triển khai dịch vụ thuyết minh tự động. Dịch vụ này giúp du khách trải nghiệm, khám phá bảo tàng với 3 thứ tiếng Việt Nam, Anh, Pháp. 

Bước 1, du khách truy cập vào hệ thống wifi; Bước 2, du khách mở trình duyệt web và truy cập địa chỉ: : https://chamaudio.com; Bước 3 là lựa chọn ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp) và hiện vật muốn nghe thông tin. Du khách có thể quét các mã vạch dán cạnh hiện vật hoặc theo trình tự tham quan được giới thiệu trong ứng dụng.

Dịch vụ thuyết minh tự động tại bảo tàng. 

Các mã vạch giúp du khách tìm hiểu dễ dàng hơn về từng tác phẩm tại bảo tàng. 

Mỹ Hòa và nhóm PV, BTV