Một tháng nay chị Q.T.H, 50 tuổi, ở Hà Nội, thấy cơn tức ngực phải âm ỉ tăng dần, ho khan, người luôn mệt mỏi. Chưa kể, vài tháng nay chị còn sụt cân nhanh chóng dù không tập luyện, kiêng khem ăn uống.
Đi kiểm tra sức khỏe, chị bàng hoàng khi nhận thông báo ung thư phổi giai đoạn 3. Người phụ nữ băn khoăn khi bản thân chưa từng hút thuốc nhưng vẫn bị bệnh?
Chia sẻ với bác sĩ, chị cho biết trong nhà chỉ có chồng hút thuốc lá hơn 25 năm, mỗi ngày 1 bao thuốc. Bác sĩ cho biết chị và các con trở thành những người hút thuốc lá thụ động của chồng, đây có thể là nguyên nhân góp phần khiến chị mắc căn bệnh này.
Hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào, xì gà... Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động”.
Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc.
Tuy nhiên, 20% số người chết vì ung thư phổi ở Mỹ mỗi năm chưa bao giờ hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ dạng thuốc lá nào khác.
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, khói thuốc là khói bốc ra từ thuốc lá đang cháy hoặc sản phẩm thuốc lá khác, hoặc bốc ra bởi những người đang hút thuốc. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư giống như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn.
Người hút thuốc không chỉ bào mòn cuộc sống của chính mình mà còn ảnh hưởng sức khỏe người thân, người xung quanh. Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, ra môi trường xung quanh.
"Luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người hít phải khói thuốc lá thụ động hay trong gia đình có người hút thuốc", thông tin từ Bệnh viện K cho hay.
Ngoài việc hút thuốc lá thường xuyên, hay hít phải khói thuốc thụ động, một số yếu tố khác cũng được thầy thuốc xếp vào nhóm nguy cơ gây bệnh ung thư phổi. Trong đó, người có người thân bị ung thư phổi có thể bị ung thư phổi cao gấp 2 so với những người không có.
Khí radon: Nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư phổi ở những người không hút thuốc là tiếp xúc với khí radon. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), nguyên nhân này chiếm khoảng 21.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm. Khoảng 2.900 trong số những người chết này xảy ra ở những người không bao giờ hút thuốc.
Các tác nhân gây ung thư tại nơi làm việc: Đối với một số người, nơi làm việc là nguồn tiếp xúc với chất gây ung thư như amiăng và khí thải diesel (dầu máy).
Ô nhiễm không khí: Cả ô nhiễm không khí trong nhà lẫn ngoài trời đều góp phần gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại ô nhiễm không khí ngoài trời như một tác nhân gây ung thư.
Còn rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh ung thư phổi dù không hút thuốc như đột biến gene, nhiễm HIV, sử dụng nguồn nước có nhiễm asen…. Hiện nay còn rất nhiều vấn đề liên quan đến căn bệnh ung thư phổi mà khoa học đang đi tìm câu trả lời như trong nhóm những người không hút thuốc, tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư phổi cao hơn so với nam giới hay ở ung thư tuyến- một loại của bệnh ung thư phổi thường xảy ra ở người không hút thuốc…
Thay đổi lối sống để giảm rủi ro
Những người không hút thuốc đã loại bỏ yếu tố nguy cơ lớn nhất của họ đối với ung thư phổi. Nhưng những người không hút thuốc có thể thực hiện một số thay đổi lối sống để giúp giảm nguy cơ của họ nhiều hơn.
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khuyên người dân kiểm tra trong nhà đang ở xem có khí radon hay không, tránh khói thuốc thụ động và hạn chế phơi nhiễm tại nơi làm việc có thể giúp tránh được những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc.