Đổi tư duy, tầm nhìn
Ngày 5/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đó là Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã có cuộc làm việc với huyện Gia Lâm. Báo cáo tại đây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.
Bí thư Hà Nội cho rằng, huyện đang trong quá trình phát triển lên quận, cần phải gắn liền với quá trình đô thị hóa. Cần phải tính toán kỹ lưỡng, chú ý đến không gian ngầm, không gian trên cao. Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị ngay từ đầu.
Đến 2030, Hà Nội dự kiến có thêm 8 quận. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc huyện lên quận một cách đàng hoàng, không được nợ tiêu chí. Phải tập trung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để khi xã đã thành phường thì cái "ruột" không thể là kinh tế nông thôn nữa.
Ông cũng lưu ý, huyện lên quận thì cán bộ cũng phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn.
Gia Lâm là một trong năm huyện của Hà Nội dự kiến lên quận giai đoạn 2021 - 2025.
Trong chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn của Thành uỷ Hà Nội nêu rõ, thành phố sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại năm huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và ba huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh).
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng (ngày 4/11/1954) lên 12 quận nội thành như ngày nay (thêm 8 quận gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên. Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên, nhưng hiện mới có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị).
Trước đó huyện Hoài Đức đã được định hướng lên quận từ năm 2020, tuy nhiên do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022.
Tầm nhìn
Bốn huyện còn lại (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) được thành phố phê duyệt đề án đầu tư để lên quận trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện Đông Anh hướng đến phát triển bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khoẻ, trung tâm sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
Huyện Thanh Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
Huyện Gia Lâm tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng. Theo đề án, chậm nhất vào năm 2022, huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
Nhiệm vụ để hiện thực hoá lộ trình
Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội vào năm 2025 và xa hơn là phát triển 8 huyện thành quận đến 2030, đòi hỏi các huyện sẽ phải hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất (cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề - phố nghề, cụm đổi mới…); Ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn.
Đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa cơ sở và diện tích đất cây xanh công cộng theo hướng tiêu chí đô thị.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 toàn bộ số xã của 5 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Trong đó, huyện Gia Lâm phấn đấu có 10/20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Thanh Trì có 10/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đông Anh có 12/23 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đan Phượng có toàn bộ 15/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hoài Đức có 10/19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngày 20/4, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới trở thành 5 quận theo đúng lộ trình, kế hoạch.
Đến 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận
Hà Nội đặt kế hoạch đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong 5 năm tới và thêm 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh vào giai đoạn 2026-2030.
Hương Quỳnh