Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có nhiều cơ chế về tổ chức bộ máy và thu nhập cho cán bộ, công chức.
Cân nhắc mức độ ưu đãi phù hợp
Một trong những nội dung được quan tâm là dự thảo Nghị quyết quy định chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với đề xuất này. “Quy định của dự thảo là hợp lý nếu mức chi không quá 0,8 lần quỹ lương thuộc phạm vi quản lý”, báo cáo thẩm tra nêu.
Để không tạo khác biệt quá lớn giữa cùng đối tượng tại địa bàn khác nhau, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cân nhắc mức độ ưu đãi.
Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc TP.HCM chi thu nhập tăng thêm thực hiện như Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức 0,8 quỹ lương cơ bản như Nghị quyết 27 của Trung ương đề ra.
Điều đó tức là TP.HCM vẫn có thể trả 1,8 lần lương, thậm chí có thể trả cho đối tượng nào đó 2 lần nhưng không phải là cào bằng, tổng lại không vượt quá mức là 0,8 quỹ lương là được.
“Ví dụ có anh làm biếng rồi vi phạm kỷ luật thì có thể không tăng thêm, hoặc anh xuất sắc thì có thể được hưởng 1,8 lần, còn anh mức vừa thì có thể thấp hơn nhưng tổng mức là không quá 0,8 quỹ lương”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc này không có nghĩa là tất cả cán bộ, công chức sẽ được trả thu nhập cao như nhau, phải tùy theo đóng góp, cống hiến cũng như thành tích của các cơ quan.
Ông Vương Đình Huệ so sánh, giống như Nghị quyết 27 nói rằng quỹ thưởng của toàn quốc là 10%, nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng được 10%, hoặc là không phải ai cũng được hưởng 10%.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo biên tập rõ ý này, vừa phù hợp với thực tiễn của TP.HCM hiện nay, không vướng khi thành phố thực hiện mà vẫn chặt chẽ theo Nghị quyết 27.
Liên quan đến nội dung tổ chức bộ máy, Trưởng Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh lưu ý, TP.HCM cần hết sức quan tâm đến việc giao cho HĐND TP.HCM ban hành cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cho HĐND TP. Thủ Đức.
Theo bà Thanh, TP. Thủ Đức gồm 3 đơn vị hành chính trước đây nhập vào, là thành phố trực thuộc thành phố cũng rất lớn. Khi nghị quyết này có hiệu lực, cần hết sức lưu ý cân đối để HĐND TP. Thủ Đức thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ đề nghị tăng thêm phó chủ tịch cho UBND TP. Thủ Đức nhưng bộ máy cho HĐND TP này chưa tương thích với thẩm quyền được giao rất lớn, bởi vì bộ máy hiện nay mỗi một ban chỉ có 1 trưởng ban, 2 phó ban và 1 ủy viên chuyên trách.
Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Bộ Chính trị
Về việc thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm và Ban Đô thị (thuộc HĐND TP. Thủ Đức), Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là phải báo cáo với Bộ Chính trị theo thẩm quyền như yêu cầu của Nghị quyết 18 Trung ương khóa XII.
Về cơ chế vận hành, bà Thanh cho rằng, khi tách những nội dung an toàn thực phẩm thuộc 3 sở khác nhau (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương) để nhập thành sở chuyên ngành thì cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác ở trong sở cũ.
Vậy khi nhập lại về Sở An toàn thực phẩm thì cần đánh giá tác động kỹ lưỡng mối liên hệ, cơ chế và hiệu quả vận hành sẽ như thế nào? Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá tác động thấu đáo và đầy đủ hơn ở chỗ này.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu như chỉ thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm như một số sở khác thì theo thẩm quyền Chính phủ chỉ cần báo cáo với Bộ Chính trị đồng ý thì không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở giao một số chức năng, nhiệm vụ cho sở này, khác với một số quy định hiện hành của một số luật chứ không phải chỉ mỗi chuyện đầu mối. Vậy cho nên nội dung này phải đưa vào trong nghị quyết của Quốc hội.
Nhìn nhận “đến giờ này rồi cũng không nên làm khó thành phố và Chính phủ nữa”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Bộ Chính trị nội dung này trong chương trình kỳ họp, Ban Cán sự đảng Chính phủ không cần phải báo cáo nữa.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu ban soạn thảo rà soát để đảm bảo các chính sách phù hợp với các chủ trương của Đảng. Trường hợp Chính phủ, thành phố thấy thực sự cần thiết, nhất thiết phải quy định trong nghị quyết dẫn đến chưa phù hợp với chủ trương của Đảng thì phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, chỉ trình Quốc hội khi được cấp thẩm quyền cho phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các quy định về tiền lương, thu nhập tăng thêm chưa phù hợp với Nghị quyết 27 phải tuân theo tinh thần của Nghị quyết 76 kỳ họp thứ 4 của Quốc hội như Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Các chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy biên chế cần đảm bảo chủ trương của Nghị quyết 18 để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.