Không quân quân đội quốc gia
Không quân quân đội quốc gia (KQQĐ) Iran có biên chế khoảng 50.000 người, có nhiệm vụ bảo vệ không phận đất nước, cảnh giới tình hình ở các khu vực chiến lược quan trọng gần Iran, tiến hành các hoạt động tác chiến ở cấp chiến thuật-chiến dịch.
Về cơ cấu tổ chức, KQQĐ gồm 4 sở chỉ huy tại 4 khu vực tác chiến (Bắc, Trung tâm, Nam và Đông). Sở chỉ huy mỗi khu vực đều có các đơn vị không quân tiêm kích (9 đơn vị), hỗn hợp (3 đơn vị) và vận tải độc lập (2 đơn vị). Tính chung, KQQĐ có 32 phi đội chiến đấu và hàng chục đơn vị bảo đảm với mạng lưới sân bay rộng khắp.
Ngoài 14 căn cứ hoạt động thường xuyên, còn có hơn 20 căn cứ dự bị để triển khai các chiến dịch đường không và vận chuyển hàng hóa cho lực lượng lục quân.
KQQĐ Iran được đánh giá là một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới, với khoảng 350 chiến đấu cơ, chủ yếu là nhập khẩu. Họ còn có lực lượng máy bay vận tải khá lớn với hơn 110 chiếc, gồm nhiều loại như máy bay vận tải hạng nặng Il-76 và C-130, khoảng 30 trực thăng vận tải.
Tuy nhiên, hầu hết số máy bay này đều đã cũ và lỗi thời. Khoảng 40 máy bay tiêm kích MiG-29 và 30 máy bay ném bom Su-24 mua của Nga từ những năm 1990; khoảng 20-25 máy bay tiêm kích đánh chặn F-14A Tomcat, 60 máy bay tiêm kích F-5E, 32 máy bay tiêm kích F-4E Phantom II mua của Mỹ từ những năm 1970...
Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, cấm vận, trong suốt hàng chục năm qua, Iran không mua được các chiến đấu cơ mới, họ phải nâng cấp và sao chép lại các máy bay cũ. Những chiếc F-4, F-14 và Su-24 đã được điều chỉnh về cấu trúc, trang bị thêm các bộ cảm biến và vũ khí mới.
Iran cũng tự nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu siêu âm HESA Shafaq, trực thăng chiến đấu dựa trên công nghệ trực thăng Bell-205 và Bell-206 của Mỹ. Iran cũng là một trong 5 quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái (UAV).
Không quân vũ trụ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo
Không quân vũ trụ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (KQVB) có cấu trúc phức tạp hơn KQQĐ. Với khoảng 15.000 binh sĩ, lực lượng này gồm các binh đoàn chiến đấu, bảo đảm và phòng không. Ngoài ra, còn có lực lượng hàng không vũ trụ chịu trách nhiệm vận hành và sử dụng hệ thống tên lửa chiến lược.
KQVB sở hữu 6 căn cứ không quân và 8 nhóm không quân hỗn hợp cùng một số sở chỉ huy tên lửa, không quân, phòng không, huấn luyện, thông tin liên lạc và hậu cần, kỹ thuật. Lực lượng này có chức năng thực hiện các nhiệm vụ phòng không chuyên biệt và toàn quân, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ lực lượng tên lửa chiến lược.
Không quân chiến đấu gồm một số phi đội sử dụng công nghệ tương đối cũ, máy bay huấn luyện, trực thăng vận tải và chiến đấu. Trong biên chế còn có các trạm radar đủ khả năng bao phủ hầu hết biên giới của đất nước. Lực lượng tên lửa gồm 6 lữ đoàn trang bị các tổ hợp tên lửa chiến dịch - chiến thuật và khoảng 100 tổ hợp tầm ngắn, 50 hệ thống tầm trung. Lực lượng này đã triển khai các chương trình tên lửa ICBM/IRBM, như Ghadr-100 có tầm bắn hơn 3.000km và phát triển bệ phóng vệ tinh IRIS.
Nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên không, họ sử dụng các tổ hợp pháo phòng không tự hành và xe kéo với nhiều chủng loại có cỡ nòng nhỏ, cũng như tích hợp thành nhóm các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung. Một số hệ thống phòng không được nhập khẩu của Nga (ZSU-23-4, Kvadrat, Tor-M1) và một số nước khác…
Nhìn chung, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng không quân Iran chưa thực sự cao. Hiện nay, Iran đang tăng cường đầu tư và triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức mạnh không quân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, giải quyết tranh chấp, xung đột trong khu vực.
Nguyên Phong