Tại buổi tư vấn, một phụ huynh có con năm nay học lớp 11 chia sẻ băn khoăn khi vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương ngừng tuyển sinh vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Phụ huynh bày tỏ thắc mắc liệu ở bậc đại học cũng sẽ có thay đổi tương tự không?
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, thông tin: “Hiện nay, các trường đại học có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, việc có bỏ phương thức này đi hay không là việc của các trường. Bộ GD-ĐT không có quy định này”.
Bà Phương cho rằng, theo xu hướng chung, sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. “Nước ta đang cố gắng để hội nhập quốc tế và muốn hội nhập, chúng ta phải có ngoại ngữ. Chưa kể, sinh viên vào trường, ra trường bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tiếp đó còn là cơ hội việc làm, mức lương sinh viên khi mới ra trường qua thống kê cao hơn khi các em làm chủ ngoại ngữ. Chính vì vậy, tôi nghĩ có lẽ không trường đại học nào bỏ cách xét tuyển bằng những chứng chỉ ngoại ngữ”, bà Phương nói.
Về điều này, ông Lê Mỹ Phong cho hay, mọi năm, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ được nêu trong hướng dẫn thi. Nhưng năm nay Bộ GD-ĐT đã đưa hẳn vào trong quy chế thi (phần phụ lục). Điều này theo ông Phong, chứng tỏ sự quan tâm được nâng lên.
Một thí sinh đặt câu hỏi: Trường THPT trọng điểm có được cộng điểm ưu tiên trong xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh? Về câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay, trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT không có trường hợp cộng điểm cho trường THPT trọng điểm.
Tuy nhiên, việc tự chủ tuyển sinh thuộc về các trường đại học do đó ở từng trường vẫn có thể có ưu tiên việc này trong xét tuyển. Một thí sinh khác đặt câu hỏi: “Thí sinh là dân tộc thiểu số, sống và học tập ở Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội, thì có được tính điểm ưu tiên dân tộc?”. Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), quy chế thi từ nhiều năm nay đều có 2 diện để được cộng điểm: Cộng điểm ưu tiên và cộng điểm khuyến khích.
Với học sinh này, là dân tộc thiểu số, theo quy chế sẽ là diện 2 và được cộng 0,25 điểm. Trường hợp nếu em này sống và học 3 năm THPT ở nơi khó khăn sẽ được cộng 0,5 điểm.
“Cũng để đảm bảo tính công bằng, những em học sinh dù không phải là dân tộc thiểu số nhưng lại sống ở nơi rất khó khăn cũng sẽ được cộng điểm ưu tiên”, ông Phong nói.
Chọn ngành học tên “rộng” hay “hẹp”?
Một băn khoăn lớn của phụ huynh và thí sinh, đó là nên chọn ngành học theo tiếp cận rộng hay tiếp cận hẹp. Cụ thể, một sinh viên hỏi nếu chọn ngành học Quản trị kinh doanh có rộng quá không, sau này ra trường làm gì và liệu học ngành này có bị thất nghiệp hay là nên học sâu về Quản trị nhân sự, Quản trị marketing, Tài chính - Ngân hàng?…
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, nói: “Phụ huynh có lo lắng nếu chọn một ngành rất rộng sợ rằng con mông lung trong “biển” lĩnh vực đó không? Các em không đi sâu vào một cái gì, sợ rằng sau này không biết làm gì. Thế nhưng chọn một ngành cái tên của nó rất hẹp, khi ra trường, nếu những diễn biến về nhân sự, bối cảnh kinh doanh, bối cảnh xã hội có những thay đổi, khả năng ứng biến của con sẽ ra sao?".
Bà Hiền đưa lời khuyên, trong trường hợp này, phụ huynh và thí sinh- những người đi mua dịch vụ giáo dục đại học - phải là “người tiêu dùng thông minh”.
“Để chọn mua dịch vụ, chúng ta phải xem dịch vụ đó như thế nào. Chúng ta hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách mà ngôi trường đó giảng dạy để quyết định. Đối với một trường đại học, khi xây chương trình đào tạo, đều tiếp cận cả 2 góc độ: độ rộng và độ hẹp. Nếu phụ huynh, thí sinh xem chương trình đào tạo thấy đáp ứng được cả hai yếu tố này nên chọn, dù tên ngành đó có thể “hẹp” hoặc “rộng”.
Trước câu hỏi của thí sinh về việc nên chọn ngành nào "VIP", "hot", bà Hiền cho hay: “Việc chọn ngành, chọn nghề, liên quan đến cả một tương lai rất dài. Lời khuyên là nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành. Học kinh tế nhưng các em có thể học thêm luật, hay khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.
Do vậy, “ngành VIP” hay “ngành hot” phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm “VIP” hay “hot” là không khó khăn”.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, đưa lời khuyên, thí sinh cũng đừng nên thấy ngành nào hiện nay đang hot, đang có nhu cầu mà thi nhau vào. “Ngành học hot, nhưng bản thân mình có “hot” hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ các em đừng nên chạy theo ngành hot vội, trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình?”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, ngành hot bây giờ chưa chắc còn hot trong 5 năm nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc.
Trước câu hỏi nên chọn ngành nghề nào để phù hợp, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay: “Việc học đại học hiện nay cũng hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực cho người học một nền tảng rộng”.
Theo bà Thủy, không phải cứ học xong 4 năm đại học là dừng lại, các bạn trẻ phải tiếp tục học và cập nhật với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội. Việc học đại học hay cao đẳng cũng chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất cho các em những phương pháp để đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Bà Thủy cũng liên hệ dẫn chứng ngay bản thân mình. “Tôi từng học ĐH Ngoại thương nhưng giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Vậy có trái ngành trái nghề không? Không hề một chút nào. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc về giáo dục đại học gần 30 năm qua cùng những cập nhật những biến động trên thế giới. Đến tận bây giờ, gần 50 tuổi, tôi vẫn phải tiếp tục học, tiếp tục cập nhật…”, bà Thủy nói.