
Nền kinh tế Việt Nam phải tập trung vào chính sách trọng cung, trong đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân cần phải là trọng tâm nhất, đúng đắn nhất.
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 28% GDP là rất khó
Gần đây có tranh luận về việc khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn hay nhỏ. Là một nhà thống kê có kinh nghiệm, ông nói gì về khu vực này?
Ông Bùi Trinh: Theo các Niên giám Thống kê, trong hàng chục năm cho đến năm 2020, khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm chưa đến 10% GDP, hay nói cách khác, giá trị gia tăng của khu vực này chiếm chưa đến 10%.
Từ Niên giám Thống kê năm 2021 trở đi, khu vực doanh nghiệp tư nhân bị gộp vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước, bên cạnh khu vực kinh tế hộ gia đình nông nghiệp và khu vực kinh tế hộ gia đình phi nông nghiệp. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 50% GDP, và không được tách bạch. Vì thế, không biết tỷ lệ của khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP là bao nhiêu.
Còn theo các Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam, trong nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp trong nước (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước) đóng góp khoảng 30% vào GDP, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 20% GDP.
Điều này chứng tỏ, khu vực doanh nghiệp tư nhân không lớn lên được.

Tôi đọc bài viết trên VietNamNet cho biết, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước lên tới 28-29% GDP, thì tôi rất nghi ngờ.
Khu vực này chỉ chiếm khoảng 10% giá trị tăng thêm trong hàng chục năm trời cho đến năm 2020, mà đến nay vọt lên đến 28-29% thì rất khó tin được, rất khó vọt lên cao như vậy chỉ trong thời gian ngắn 4 năm qua.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất, tới hơn 50% GDP là đáng mừng đấy chứ?
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã, kinh tế hộ,… và các khu vực này không được tách bạch. Theo tôi, cần phải chia các khu vực này ra như trước năm 2020 để xem các khu vực này đóng góp cụ thể là bao nhiêu vào GDP, chứ còn để lẫn lộn với nhau như thế thì sẽ rất khó. Không thể bốc thuốc khi không biết bệnh.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là nền kinh tế Việt Nam vẫn rất nhỏ bé, li ti, vụn vặn, vẫn dựa chính vào khu vực kinh tế hộ gia đình là chính.
Tôi được biết, mới đây có Thông tư 07 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế. Vì thế, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ được công bố tới đây, là cơ sở để biết khu vực này thực sự lớn hay nhỏ.
Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng nhất
Hiện đang có chủ trương đề xuất doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế của đất nước. Xem xét ở cả góc độ thống kê và thực tiễn, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Đây là một chủ trương rất đúng đắn. Nền kinh tế Việt Nam phải tập trung vào chính sách trọng cung, trong đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân cần phải là trọng tâm nhất, đúng đắn nhất.
Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển được thì dứt khoát phải khơi thông điểm nghẽn thể chế, ban hành những chính sách thuế phù hợp, giảm tối đa các loại phí, chặt đứt các quy định ngặt nghèo hay giấy phép con đã phát triển quá nhiều.
Chúng ta cần phát triển khu vực này để tự chủ, tự lực, tự cường. Khu vực doanh nghiệp tư nhân là máu thịt của người dân, là nguồn lực thật sự của đất nước. Môi trường đầu tư có an toàn, quyền tài sản phải được bảo vệ, thì người dân mới bỏ tiền ra làm ăn; còn nếu không thì ngược lại.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thì khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất về đầu tư, về doanh thu và đặc biệt là tạo công ăn việc làm... Xét ở các góc độ đó, khu vực này rất to đấy chứ?
Khu vực này chiếm tỷ lệ rất cao ở các góc độ đó, thế nhưng khu vực này không tăng được giá trị tăng thêm, bao gồm hai yếu tố cơ bản là thu nhập của người lao động và thặng dư. Số liệu cho thấy, khoảng hơn 60% các doanh nghiệp tư nhân lỗ chứng tỏ, doanh thu cao nhưng giá trị tăng thêm lại thấp nhất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giờ chỉ còn 1,2, thấp hơn trước đây là 1,5. Xu hướng này thực sự đáng báo động. Trước năm 2020 trở về trước, doanh nghiệp tư nhân chiếm giá trị gia tăng chưa được 10%. Thế bây giờ, họ rút như thế này rõ ràng không tăng được giá trị tăng thêm. Nếu coi doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn nhất cho tăng trưởng thì phải đảo ngược lại xu thế này bằng cách giảm thuế, phí, các quy định dầy đặc.
Chi trả sở hữu của doanh nghiệp FDI đến 25 tỷ đô la
Việt Nam đã và đang “làm tổ” cho “đại bàng” FDI. Ông có thể nói gì về khu vực này?
Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng giảm dần, từ gần 20% năm 2011 xuống còn 16% năm 2023. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực FDI trong GDP lại có xu hướng tăng rõ rệt, từ 15,4% năm 2011 tăng lên gần 20,3% trong năm 2023. Số liệu phần nào phản ánh sự hiệu quả của khu vực FDI.
Nhưng đó là một mặt của tấm huy chương.
Mặt khác là luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu thuần, trong đó phần lớn do khu vực FDI thực hiện, lên đến gần 25 tỷ đô la năm 2024. Đây là con số cực lớn.
Tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia GNI/GDP giảm từ 98,7% năm 2010 xuống còn khoảng 94% năm 2024 cho thấy tình hình là rất đáng báo động. Thu hút thêm FDI có thể dẫn đến tăng quy mô GDP của Việt Nam, nhưng lại làm giảm tổng thu nhập quốc gia.
Xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI trong khi người Việt Nam chỉ làm gia công, lắp ráp thì có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn, nhưng cũng làm luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng lên tương ứng và làm các chỉ tiêu rất quan trọng khác như GNI, thu nhập quốc gia khả dụng và tiết kiệm giảm sút.
Những con số nêu trên có thể gợi vài hàm ý cho các nhà hoạch định chính sách trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp suy kiệt hiện nay. Một trong số đó là cần tiếp tục có các chính sách hiệu quả, tạo điều kiện và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát triển mạnh mẽ và bền vững để góp phần củng cố nội lực của đất nước.


Làm gì để thổi bùng năng lực nội sinh của Việt Nam?

Coi kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất là 'đúng' và 'trúng'

Đề xuất kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất
