Những ngày mát trời, chị Nguyễn Ngọc Giáng Châu (Yên Bái) cùng chồng, con lại mắc võng nằm thư giãn giữa khu vườn ngập sắc hương của gần 60 loại hoa cúc. Cũng có những buổi trưa không ngủ, chị và con lang thang khắp vườn chụp ảnh, quay phim.
Để có được khung cảnh thơ mộng và bình yên ấy, chị Châu dành 5 năm tìm tòi, cải tạo và nâng niu, trân trọng từng gốc cúc.
“Tôi bắt đầu trồng cúc từ năm 2018. Khi ấy, gia đình tôi xây nhà riêng. Nơi này có một mảnh đất nhỏ nên tôi muốn trồng cây. Tôi thấy hoa cúc đẹp, bền nên muốn trồng thử”, chị chia sẻ.
Hơn 60 giống hoa cúc trong vườn
Mảnh vườn nhà chị Châu vốn là nền nhà cũ nên chứa sỏi đá lổm chổm. Đất mặt chỉ dày khoảng 30cm. Sâu bên dưới là đá ong, rác thải tập kết lại.
Để có đất trồng cây, chị Châu mất nhiều ngày cải tạo. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Chị phải phát cỏ, xới từng cuốc nhỏ mới có thể thu dọn, lọc sạch đất.
Tùy vào khả năng phát triển của từng loài cúc mà chị Châu chia khu vườn thành các ô nhỏ. Khu vực nhiều nắng, chị ưu tiên trồng các giống cây khỏe, không đòi hỏi nhiều sự chăm sóc. Các giống cây “khó chiều”, chưa thuần khí hậu sẽ trồng trong chậu để tiện di tản khi thời tiết thay đổi.
Trong vườn nhà chị hiện có khoảng gần 60 giống hoa cúc khác nhau. Bao gồm các loại cúc cổ thuần Việt như cúc cổ Sơn La, cúc tiểu thư, họa mi kép, họa mi đơn, trà cổ, kim cúc, cúc chi vàng rủ,... và các giống ngoại như cúc mâm xôi đổi màu Nhật Bản, cúc Ấn Độ đỏ, cúc mẫu đơn, cúc khổng tước, cúc mặt trời hồng, cúc bướm đỏ...
Các giống cúc ngoại mới nhập về có giá không rẻ, từ 50 – 60 ngàn/cây. Cây chỉ cao tầm 10cm, chưa bao gồm phí vận chuyển.
Chị Châu yêu hoa như con. Khi nào rảnh rỗi, chị đều ra vườn vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa. Những ngày bận rộn, chị cũng tranh thủ buổi tối, thắp đèn ra vườn chăm hoa.
Chị chia sẻ: “Vườn cúc cần được tưới đẫm nước vào các buổi sáng, tưới nhẹ lúc xế chiều. Ngày nóng cây cần tưới nhiều nước và tránh tưới vào các ngày mưa, ẩm ướt. Về phân bón, tôi trộn phân bò, gà cho đất trồng và pha loãng phân NPK tưới đều các gốc cây. Khi cúc đâm nụ, tôi sẽ phun kali để hoa nở cánh to, dày, đẹp và bền màu. Loài hoa này cũng cần chú ý các loại sâu bệnh như nấm lá, rệp hay bọ trĩ… Tôi thường phun thuốc sinh học để diệt tận gốc sâu bệnh”.
Sau 3 tháng tận tình chăm sóc, chị Châu hạnh phúc khi đón mùa hoa cúc đầu tiên bung nở trong vườn nhà. Hoa nở tuy chưa nhiều, bông vẫn nhỏ nhưng đủ để khiến chị cảm thấy mãn nguyện và tự hào về những gì mình bỏ ra.
“Có lẽ vì quá yêu vườn cúc nên chi phí sưu tầm giống, công sức, thời gian dành cho hoa, tôi đều thấy xứng đáng. Tôi còn phải tự tay trồng, nâng niu từng chiếc mầm nhỏ mới yên tâm”, chị nói.
Không gian sống đầy hoa thơm, trái ngọt
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, vườn cúc nhà chị Châu khoe sắc 4 mùa, hương thơm ngào ngạt. Tình yêu hoa cúc của chị còn lan tỏa tới các thành viên trong gia đình.
Mỗi khi chị bận rộn, ông xã sẽ giúp vợ cuốc đất, bón phân, tưới cây hay dựng rào chắn để hoa mọc thành hàng. Con gái chị yêu hoa không kém, nhiệt tình giúp mẹ trộn đất ươm cây giống, hỗ trợ di tản các chậu cây khi trời đổ mưa hay nắng to.
Chị Châu tự hào nói, vườn cúc hiện trở thành “thương hiệu” khiến ai cũng nhớ đến đầu tiên khi ghé chơi. Ngoài hoa cúc, chị còn bài trí khu vườn bằng các loại hoa, cây cảnh, rau trái khác như hoa hồng, phong lan, thược dược, ngọc nữ, sung, bầu, mướp… Tất cả tạo nên một khung cảnh thơ mộng đầy tiếng chim và hoa thơm trái ngọt.
Không chỉ vậy, chị Châu còn tận dụng thu hái các loại cúc chứa nhiều dược tính như trà cổ, kim cúc, chi vàng/trắng để mang phơi, sấy. Hoa khô sẽ mang ủ rượu hoặc ngâm với mật ong, đường phèn làm nước uống tăng sức đề kháng. Vào các ngày lễ, dịp đặc biệt, chị sẽ chọn những chậu cúc đẹp nhất để hái tặng người thân, bạn bè.
“Với tôi, vườn cúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nó là nơi bình yên, nơi yêu thương của tất cả thành viên trong gia đình”, chị Châu bộc bạch.
Ảnh: Nhân vật cung cấp