Khung giá được ban hàng năm làm cơ sở cho chủ đầu tư các dự án nhà máy điện thỏa thuận giá điện, ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đảm bảo giá điện không vượt quá khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Theo đó, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than là 0 - 1.559,7 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, so với khung giá phát điện năm 2022, giá trần của điện than giảm khoảng hơn 200 đồng/kWh (khung giá năm 2022 là 1.773,76/kWh).

nhiet-dien.jpg
Khung giá trần cho nhiệt điện than giảm. Ảnh: Lương Bằng

Khung giá này được tính toán trên giá than dự kiến (chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển) là 1.808.000 đồng/tấn. Tỷ giá là 24.885 đồng/USD. So với khung giá của năm 2022, thì mức giá than này chỉ giảm nhẹ (năm 2022 là 1.845.000 đồng/tấn) trong khi tỷ giá của năm 2022 thấp hơn đáng kể mức tỷ giá đưa ra tính toán khung giá cho năm 2023 (năm 2022 tỷ giá tính toán là 23.090 đồng/USD).

Khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện là 0 - 1.110 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng). Khung giá thủy điện giữ nguyên so với năm 2022 và 2021.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW, gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), Nhiệt điện Công Thanh 600MW, Nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, Nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, Nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.

Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án. Tỉnh Quảng Trị đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9/8. Nhiều địa phương khác cũng đang muốn chuyển đổi các dự án điện than chưa triển khai sang làm điện khí.