Chiều 30/5, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nghị quyết này dự kiến thay thế Nghị quyết 85 năm 2014, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào cuối năm nay.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên là có cơ sở thực tiễn.
Điều này thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.
Đảm bảo tính nhân văn
Nêu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) ủng hộ đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên.
Theo ông Chung, quy định như vậy là nhân văn. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, quy định ‘cứng’ 6 tháng thì nên nghiên cứu thêm. Vì có những bệnh hiểm nghèo mới phát hiện 1-2 tháng cũng nên xem xét nếu như có xác nhận của các cơ quan chức năng. Điều này để tránh tâm lý băn khoăn cho cán bộ.
Vì vậy, đại biểu đoàn Bình Phước đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm với những người nghỉ chữa bệnh trong điều kiện bình thường (từ 6 tháng trở lên); với những bệnh đặc biệt nghỉ từ 2-3 tháng cũng cần xem xét.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) tán thành với quy định không lấy phiếu tín nhiệm với những trường hợp chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận y tế.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị bổ sung quy định nghỉ từ 6 tháng liên tục để tránh trường hợp nghỉ từ 2-3 tháng rồi đi làm, sau đó lại nghỉ, nhưng cộng dồn lại được 6 tháng.
Phát biểu ở tổ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến thống nhất với việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận - nơi không tổ chức HĐND. Ông cũng đồng tình với việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ vì bệnh hiểm nghèo, người nghỉ điều hành trong thời gian dài.
Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần mỗi nhiệm kỳ
Tại điều 8 dự thảo nghị quyết quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, nghiêm cấm “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy hoặc bỏ phiếu tín nhiệm”.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, quy định này chưa đủ. “Có những lời hứa không phải vật chất, như hứa sẽ được bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp ví trí nào đó, cho cơ hội thăng tiến để người đó làm theo mục đích không trong sáng”, ông Thắng phân tích.
Từ đó, đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị, quy định các “lợi ích vật chất và lợi ích khác” để điều luật trọn vẹn hơn.
Nhận định lấy phiếu tín nhiệm là “kênh” để rà soát quy hoạch, loại bỏ những cán bộ không được tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) băn khoăn khi phiếu tín nhiệm có 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
“Ta quy định 3 mức, nói thế nào cũng hơi e dè. Tôi mong muốn chỉ 2 mức thôi: tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Tín nhiệm thấp trên 50% thì xem xét bỏ phiếu tín nhiệm”, theo đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hận.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Cà Mau còn cho rằng, thay vì chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần như dự thảo, cần lấy phiếu lần đầu hai năm sau khi cán bộ được bầu, bổ nhiệm để làm căn cứ xem xét năng lực. Lần thứ 2 nên lấy phiếu vào năm thứ 4 của nhiệm kỳ để xem xét lần cuối, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Đại biểu cho rằng, đây cũng là kênh để rà soát bổ sung quy hoạch, loại bỏ những cán bộ không được tín nhiệm.
Cũng phát biểu tại tổ, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nói, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau.
Bà Thanh giải thích, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 50% đến dưới 2/3 đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”. “Bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là miễn nhiệm”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Còn lấy phiếu tín nhiệm, nếu có từ 50% đến dưới 2/3 đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì khuyến khích từ chức. Nếu không từ chức, thì lúc đó mới chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà Thanh.
Trước ý kiến e ngại có thể xảy ra trường hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh khẳng định, thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ vừa rồi từ HĐND xã đến Quốc hội “chưa bao giờ xảy ra”.
Đề cập đến các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng ban Công tác đại biểu cho hay chỉ có trường hợp khác với Quy định 96 của Bộ Chính trị là người “nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm”.
Theo bà Thanh, quá trình soạn thảo, xin ý kiến, các địa phương đưa ra tình huống “ốm đau mà nghỉ dài ngày thì có lấy phiếu tín nhiệm hay không?”
“Ban đầu, ban soạn thảo đưa ra thời gian 3 tháng, qua nhiều lần góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, các chuyên gia, số đông nói ràng nên là 6 tháng, 3 tháng trong 1 năm và trong nửa nhiệm kỳ thì ngắn quá”, Trưởng ban Công tác đại biểu giải thích.