Hào hứng với điện mặt trời mái nhà
Theo số liệu cập nhật, đến nay Việt Nam đã có hơn 100 nghìn công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Có thể nói, những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam.
Đến nay, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị Bộ sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới.
Trước đó, EVN đã có một số văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng cung ứng điện toàn quốc và điều chỉnh phụ tải giai đoạn 2023-2025, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVN, báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nguy cấp về cung cấp điện.
Tại các văn bản này, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương các giải pháp đảm bảo cung cấp điện, trong đó đề xuất phát triển các nguồn ĐMTMN tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ (không phát điện lên lưới - zero export) của khách hàng sử dụng điện.
Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà, với cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khu vực miền Bắc khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500-1.700 giờ. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện mặt trời cũng đang giảm nhanh.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng: Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII có nói đến tạo điều kiện tối đa và không hạn chế đối với điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách nào hỗ trợ cho việc thực hiện định hướng này.
Chờ cơ chế
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết: Về mặt tổng thể, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đã thể hiện tinh thần, quan điểm phát triển, đẩy mạnh khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo để phát điện, cần có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển để tự sử dụng.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình nguồn điện mặt trời mái nhà đang có chiều hướng tăng nhanh và tự phát ở tất cả các loại hình (trên mái nhà ở, nhà xưởng sản suất kinh doanh thương mại, khu công nghiệp...). Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối tượng khuyến khích đầu tư, lắp đặt và chế tài xử lý các đối tượng khác nếu có vi phạm.
Trên cơ sở đó, cần thiết ban hành cơ chế, quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện mặt trời mái nhà và các biện pháp quản lý đối tượng này.
Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch điện VIII có nêu “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng tự sản tự tiêu để tiêu thụ tại chỗ (cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà hay tiêu thụ cho chính phụ tải sau công tơ đo đếm điện có cùng địa chỉ lắp đặt điện mặt trời mái nhà).
Theo Bộ Công Thương, trường hợp nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối hay liên kết (nối sau công tơ đo đếm điện) với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 là 2.600 MW (cơ cấu nguồn điện tại điểm c khoản 1 Mục III Quyết định số 500/QĐ- TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII).
Trường hợp, nguồn điện tự sản tự tiêu không đấu nối hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 có thể không giới hạn theo yêu cầu nêu tại điểm c khoản 1 Mục III Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII “Nguồn điện mặt trời tự sản tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất”. Trong trường hợp này có thể xem xét cho phép các tổ chức mua bán điện với điều kiện cả Nguồn - Phụ tải không có sự liên kết với lưới điện quốc gia.
Bên cạnh đó, nguồn điện tự sản tự tiêu cũng chưa có quy định thuộc đối tượng phát triển điện lực. Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát các chủ thể tham gia hay báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng nghị định.