Tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng 18.000km2, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều tiềm năng về khai thác thuỷ sản mang lại lợi ích lớn về kinh tế.
Để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với giải pháp cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Cùng với đó là tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá như cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển về nghề nuôi biển.
Đặc biệt là lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy radar hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực.
Cùng đó, tỉnh xây dựng mô hình chợ đầu mối hải sản gắn với cảng cá; xây dựng liên kết chuỗi từ khai thác, thu mua, bảo quản và tiêu thụ hải sản; dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển...
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ.
Đến nay, 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7%; trong đó 100% tàu cá từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Năm 2023, tỉnh đề ra chỉ tiêu khai thác trên 124.050 tấn thuỷ sản các loại. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngành thuỷ sản tỉnh đã đạt sản lượng khai thác 131.588 tấn, tăng 3% so năm 2022, vượt 6,1% kế hoạch.
Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đặt chỉ tiêu khai thác 127.150 tấn thuỷ sản các loại. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh đạt 35.933.6 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, các địa phương có biển đã huy động tối đa đội tàu thuyền tranh thủ ra khơi khai thác theo thời vụ; bám sát thông tin về ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ để từ đó tổ chức liên kết khai thác trên biển theo các tổ, đội đoàn kết để tăng hiệu quả đánh bắt, nâng cao sản lượng, giảm chi phí sản xuất.
Huyện Ninh Hải có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, tổng công suất trên 145.000 CV. Để giúp ngư dân khai thác thuỷ sản hiệu quả, huyện đã khuyến khích ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, bổ sung ngư lưới cụ, đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi khai thác.
Bên cạnh đó, tổ chức củng cố lại các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển của huyện nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác; tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại ngành nghề.
Phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác cập nhật, cung cấp thông tin ngư trường để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU)...
Cũng như Ninh Hải, thời gian qua, huyện Thuận Nam cũng triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn, trang bị phương tiện hiện đại để vươn khơi bám biển khai thác thuỷ sản xa bờ.
Huyện Thuận Nam có 914 tàu thuyền đang hoạt động, với tổng công suất 246.000CV, trong đó 432 chiếc tàu dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Nhờ đó, năng lực khai thác thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng.
Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản của huyện hằng năm tăng khá. Trong năm 2023, sản lượng khai thác đạt 83.488 tấn cá các loại; riêng 3 tháng đầu năm 2024 sản lượng khai thác đạt 16.585 tấn cá các loại.
Xã Cà Ná của huyện Thuận Nam là một ví dụ điển hình. Từ một xã biển nghèo, đến nay, Cà Ná đang thay đổi diện mạo từng ngày nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. So với các xã biển khác trên địa bàn tỉnh, đời sống nhân dân ở xã Cà Ná hôm nay phát triển mạnh bậc nhất, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh.
Cà Ná có cảng cá thuận lợi để phát triển nghề khai thác và chế biến thu sản. Toàn xã hiện có 317 tàu thuyền với công suất 74.183 CV, trong đó có 80 tàu thuyền chiều dài 15m trở lên đánh bắt xa bờ.
Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná Nguyễn Duy Lân, cho biết, những năm qua, xã đã vận động và hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, trang bị phương tiện hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ.
Hiện toàn xã thành lập được 37 tổ, đội đoàn kết và 1 nghiệp đoàn nghề cá hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động trên biển, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân. Đồng thời tham gia cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhiều ngư dân ở Cà Ná được hỗ trợ đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại vươn khơi ra các ngư trường vùng xa khai thác thuỷ sản. Sau mỗi chuyến biển thu được khoảng 5-6 tấn hải sản có giá trị cao, trung bình mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. |
Hải Yến