Được giới thiệu đi “học nghề” của những "cò" lão làng, sau chuyến đi, PV tận mắt chứng kiến rất nhiều mánh khóe được áp dụng để "ăn" tiền chỉ trong chốc lát.
"Liều để ăn nhiều"
Đi cùng Hồ Thị Khánh Linh, một cò đất giàu kinh nghiệm ở khu vực Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất…mới thấy được chiêu trò "thổi" giá đất mà các cò hay áp dụng. Linh được một khách hàng gửi bán lô đất có diện tích 68m2, mặt tiền 4,5m, ngõ ô tô vào, với giá mong muốn 22 triệu đồng/m2 tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội).
Sau khi nắm được những thông tin cơ bản, Linh lập tức chê lô đất của khách nhằm ép giá xuống. Kèm theo đó là cảnh báo thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi ngân hàng siết cho vay tín dụng bất động sản nên khách không mặn mà.
“Lô đất của anh giá 18 triệu đồng/m2 may ra mới tìm được người mua. Nếu muốn bán thì để em giới thiệu, không thì thôi”, Linh tỏ thái độ kiên quyết và được chủ đất đồng ý.
Nhưng ngay sau đó, Linh tung thông tin lô đất lên Zalo, Facebook cá nhân, khoảng 10 phút sau có người hỏi, Linh thông báo mức giá 23 triệu đồng (cao hơn 5 triệu so với giá chủ đưa ra ban đầu), đồng thời hết lòng khen vị trí, ưu điểm của miếng đất cần bán.
Với chiêu này, nếu “đẩy được hàng”, ngoài 2% giá trị lô đất là 24 triệu đồng cộng với mức giá chênh mà Linh đẩy lên 5 triệu/m2 x 68 m2, nghiễm nhiên Linh sẽ “ẵm” 340 triệu đồng mà không mất giọt mồ hôi nào. Có những ngày cao điểm giữa cơn sốt, Linh giao dịch được 2-3 lô và kiếm tiền tỷ dễ như chơi.
“Nếu bán được thì mình có tiền trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Còn không bán được thì mình cũng chẳng mất gì. Các cò đất sẽ tìm đủ mọi lý do từ lỗi về phong thủy đến những lỗi khác như đường đâm vào nhà, ngõ nhỏ, xa, cột điện gần nhà, hướng khó bán và những lý do trời ơi khác để ép chủ đất hạ giá. Nhưng đối với nhà đầu tư, người mua thì họ lại chỉ ra mọi ưu điểm của lô đất để tăng kích thích và quyết tâm mua hàng”, Linh chỉ dẫn.
"Cao tay hơn", cò Nguyễn Đức Tùng (ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều khi để được việc và được tiền, cò buộc phải "câu" khách bằng cách đưa ra một món hàng tốt, nhưng khi khách đến xem hoặc xuống tiền đặt cọc thì lại đánh tráo thành món hàng khác. Rồi dưới lời tán dương của cò, mọi lô đất đều có những ưu thế riêng, khiến khách khó lòng từ chối.
Trăm chiêu đều từ cò
Quá trình thực tế, PV còn chứng kiến nhiều chiêu trò khác hết sức tinh vi. Ví dụ, các cò thành lập đội nhóm để cùng môi giới về một dự án hay một khu vực. Khi đã tìm được thì cần phải hâm nóng thị trường, tạo cơn sốt với chiêu thức thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, rồi đẩy giá bán lên cao.
Mỗi người trong nhóm sẽ làm một nhiệm vụ khác nhau, người thì ngồi tại quán xá, khu dân cư lân cận tung tin đồn thổi về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu dân cư, khu đô thị hoặc các dự án, khu cụm công nghiệp…Người thì đến hỏi mua đất, thậm chí để nhà đầu tư tin tưởng, họ còn cắm bảng đánh số thứ tự để thể hiện đất đang được quy hoạch…rồi tự mua, bán, ký hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc tiền nhộn nhịp với nhau, tạo sự chú ý của người dân, nhà đầu tư.
“Khi có khách hàng, mỗi người trong nhóm đều phải lôi kéo, giới thiệu lô đất, dự án và có chính sách giảm giá riêng nếu mua đất của mình, đồng thời "rót mật vào tai" khách thông tin về những tiện ích tương lai nếu là khách mua để ở. Còn với nhà đầu tư thì phải nói đến tính thanh khoản, tiềm năng tăng giá…”, Nguyễn Tiến Đạt, một cò đất ở Thanh Xuân (Hà Nội) nói.
Về mánh lới để giới thiệu và bán được nhiều lô đất trong thời gian ngắn, đầu tiên là phải nhắn tin, gọi điện liên tục để hỏi thăm, chào hàng. “Nếu trong nghề dịch vụ người ta cần những cô gái trẻ, đẹp, duyên dáng thì trong giao dịch bất động sản nhà đầu tư cần đến những mảnh đất, căn nhà có tiềm năng, dễ thanh khoản. Thực tế không phải mảnh đất hoặc căn nhà nào muốn bán cũng nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lợi, đường trước nhà rộng ô tô đi qua…Nhưng dù không đẹp thì cũng phải giới thiệu như một em hoa hậu để khách hàng quan tâm", Đạt giải thích thêm..
Do đó, khi khách đến xem hàng, cò phải đánh giá tích cực về phong thủy, ưu điểm của mảnh đất. “Trong trường hợp cần thiết, có thể nhắn tin cho đồng đội đưa người khác đến cùng xem để thấy được căn nhà, mảnh đất đang được nhiều người quan tâm, tìm mua, nếu không đưa ra quyết định sớm sẽ mất cơ hội. Nếu thấy người mua "cắn câu", phải đưa ngay hợp đồng đặt cọc với mức từ 5 triệu đến 50 triệu”, Đạt nói.
Không ít cò còn đăng tải thông tin một nửa sự thật về giá bán đã được hỗ trợ vốn vay của ngân hàng. Chẳng hạn, dự án có căn nhà 5 tỷ, cò lại quảng cáo chỉ cần từ 1,5 tỷ là khách đã sở hữu nhà, dù sự thật là do ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 70% nên khách chỉ cần trả trước 1,5 tỷ. Khách hàng gọi tới sau khi biết sự thật có thể không mua, nhưng ngược lại, môi giới sẽ có dữ liệu của khách để bán chéo sang các dự án khác.
Một chiêu trò khác mà PV được hướng dẫn là đưa ra cho khách một lô đất ở vị trí có hình thức và giá cả phù hợp. Nếu là khách tiềm năng, sau khi đặt cọc vài ngày, cò sẽ gọi tới nói rằng có người muốn mua lại với giá cao hơn, đồng thời sẵn sàng bỏ vài chục triệu đồng nhằm khẳng định vị khách kia sẵn sàng chồng tiền đặt cọc.
“Lúc này người mua nhận thấy mình đầu tư đúng chỗ, dự án khả thi, môi giới sẽ tiếp tục chào bán thêm vài lô đất nữa. Nếu khách mua thêm một vài lô thì đã trúng chiêu của cò”, cò Lê Xuân Khánh ( Thanh Trì, Hà Nội) cho biết.
(Theo VTC News)