Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (Nghị định 45) được Chính phủ ban hành ngày 8/4/2020, sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5/2020. Nghị định này được đánh giá là một Nghị định quan trọng, một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Theo Văn phòng Chính phủ, việc ban hành Nghị định 45 sẽ thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho việc tổ chức, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Ngày 16/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 45. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng triển khai các nhiệm vụ trong Nghị định 45 của Chính phủ.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương được đề nghị chỉ đạo việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tuân thủ theo quy trình được quy định tại Chương II Nghị định 45.
Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của công chức trong từng quy trình tiếp nhận, giải quyết để phản hồi cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm việc phân công khoa học, các nội dung phản hồi chính xác, đúng thời hạn. Rà soát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin cấp bộ, cấp tỉnh; các giải pháp xác minh thông tin để bảo đảm mức độ an toàn trong quá trình đăng ký, đăng nhập của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định tại các điều 7, 8 của Nghị định 45.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị quy định mẫu kết quả TTHC điện tử (thể thức, kỹ thuật trình bày ở định dạng điện tử) theo thẩm quyền đối với văn bản chuyên ngành để bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc.
Đồng thời, ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương đang còn hiệu lực từ nay đến 31/12/2025, trong đó làm rõ lộ trình theo từng năm và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, theo dõi.
Công văn của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp TTHC trên môi trường điện tử theo đúng các quy định tại Chương III Nghị định 45.
Trong đó, lưu ý trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm kiểm soát TTHC, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình lập danh mục, rà soát, đơn giản hóa, lựa chọn các giải pháp cung cấp TTHC trên môi trường điện tử để việc thực hiện đạt hiệu quả, thuận tiện cho người dùng, tránh lãng phí.
Văn phòng Bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sịnh trong triển khai thực hiện Nghị định 45; tổng hợp, thông tin cho Văn phòng Chính phủ để phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cũng trong công văn mới gửi các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ còn đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với cơ quan này và Bộ Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức giải quyết TTHC đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính hoặc kiểm tra, xác thực kết quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Trước đó, ngày 13/4/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng và triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 45. Việc triển khai dịch vụ này nhằm hỗ trợ cho chính quyền các cấp trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.