Với nhiều người, không phải làm gì mà vẫn hưởng lương là điều đáng mơ ước. Song, đối với Dermot Alastair Mills, nhân viên thuộc Công ty đường sắt Ireland, đó là sự phân biệt đối xử.
Trang Irish Central dẫn lời Mills kể, anh từng được giao chịu trách nhiệm về các ngân sách vốn trị giá khoảng 250 triệu Euro của công ty từ năm 2000 cho đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2007. Anh từng báo cáo công việc với Hội đồng quản trị công ty và tham gia vào các tiểu ban của hội đồng quản trị trước khi được thăng chức vào năm 2010.
Tuy nhiên, Mills cho biết, anh bị bắt nạt trong vai trò mới và buộc phải nghỉ ốm 3 tháng. Khi trở lại công ty, anh nhận thấy “một số vấn đề nhất định” với các con nợ và đã gửi một báo cáo “thiện chí” cho giám đốc điều hành Đường sắt Ireland vào tháng 3/2014, trước khi bí mật tố giác sự việc cho Bộ trưởng Giao thông vận tải biết.
Kể từ đó, trách nhiệm của Mills tại công ty đã bị cắt giảm. Anh nói với Ủy ban Quan hệ nơi làm việc của Ireland (WRC) rằng, công ty dần dần không giao cho anh làm bất cứ công việc gì, nên hàng ngày đến cơ quan, anh hầu như chỉ dành thời gian ăn trưa và đọc báo. Bất chấp thực tế đó, Mills vẫn được công ty trả lương đều hàng tháng.
Theo Mills, khi luật sư riêng nói rằng anh được trả tiền để “không làm gì cả”, anh cảm thấy tiếc cho các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Nhà quản lý tài chính tiết lộ, anh cảm thấy “bị trừng phạt, cô lập và loại bỏ khỏi các cuộc họp và cơ hội đào tạo nghề của công ty”.
WRC dự kiến sẽ mở phiên xử về trường hợp khác thường của Mills vào đầu năm sau.
Nơi không làm gì cũng được trả lương tháng 60 triệu
Một ngôi làng tại Thụy Sĩ đang chuẩn bị triển khai hệ thống lương cơ bản, đồng nghĩa với việc mỗi người dân sẽ được trả 2.500 franc (60 triệu đồng) một tháng mà không phải làm gì.