Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không” nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột.
Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016-2021 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025.
Đại tá Vũ Thành Văn, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng cho biết, giai đoạn 2016-2021, công tác đối ngoại quốc phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt và hiệu quả trên tất cả các mặt hoạt động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với các nước tiếp tục được củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, duy trì quan hệ hữu nghị với các nước, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, bao gồm 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các cường quốc trên thế giới.
Đối ngoại quốc phòng đa phương có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm và đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, năm 2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN, với việc ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh, Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Tuyên bố chung của Bộ Quốc phòng các nước ADMM+ (sau 7 năm Hội nghị ADMM+ không ra được Tuyên bố chung).
Trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, sự tham gia của Việt Nam mở rộng cả về hình thức, quy mô và địa bàn với Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1, 2, 3 đến Nam Sudan, đang sẵn sàng triển khai BVDC số 4; hiện đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để lần đầu tiên triển khai đội Công binh đến phái bộ UNISFA của Liên Hợp Quốc.
Sự chủ động và tích cực tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như tăng cường khả năng hội nhập quốc tế và làm việc trong môi trường đa phương.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng ngoài việc chung tay cùng cả nước, cử lực lượng tích cực tham gia phòng chống Covid-19, đã thực hiện tốt “ngoại giao vắc xin”.
Quân đội đã chủ động tham gia và tổ chức đăng cai các Hội thao Quân sự quốc tế như Army Games, Hội thao Quân sự ASEAN; đạt được hiệu quả cao trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; xử lý ô nhiễm bom, mìn và chất độc da cam/dioxin.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, để thực hiện tốt nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Kiên định, nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không” nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, cần tích cực, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình thế giới, khu vực, các thách thức an ninh phi truyền thống để làm tốt công tác tham mưu chiến lược về đối ngoại quốc phòng. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan trong và ngoài quân đội trong công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của đất nước; chú trọng tham mưu, đề xuất đối sách xử lý các tình huống cả trước mắt và lâu dài, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không để bị động bất ngờ.
Tiếp tục nâng cấp đối ngoại đa phương, chủ động đưa ra sáng kiến và tích cực tham gia đầy đủ, hiệu quả các cấu trúc, diễn đàn An ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN.
Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc theo hướng mở rộng lĩnh vực, quy mô và địa bàn; đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì các hoạt động đa phương, sẵn sàng đăng cai chủ trì tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc phòng phù hợp với tình hình thực tế…
Đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng.
Quân đội là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đảm bảo môi trường "trong ấm, ngoài êm" cho đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là bài học rất quý.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hôm nay (7/12) tổ chức hội nghị Quân chính toàn quân, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.