Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.

40/70 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới

Những năm qua, Kiên Giang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Với Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình như: Cầu, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học… phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Tỉnh đầu tư hơn 145 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán phục vụ đồng bào và hơn 91 tỷ đồng xây dựng 10 công trình điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất cho gần 8.000 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngành, các cấp trong tỉnh cũng đã xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

hocsinh.jpg
Trường học trên địa bàn huyện Gò Quao (Kiên Giang) được xây dựng khang trang, giúp con em đồng bào dân tộc Khmer thuận tiện trong học tập

Bên cạnh đó, tỉnh huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã vận động xây cất hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây dựng trên 50 cầu bê tông, hàng trăm cây nước bơm tay và hàng chục km đường giao thông nông thôn… trị giá hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kiên Giang với số hộ giàu, khá và trung bình ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 3.258 hộ, chiếm tỷ lệ 4,7%. Tỉnh đã có 13 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và 40/70 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cụ thể là hỗ trợ cho 7.420 hộ vay 24 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, các chương trình tín dụng đã cho 18.128 lượt hộ vay phát triển sản suất kinh doanh hơn 211.255 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho hơn 115.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các xã thuộc vùng khó khăn hơn 13 tỷ đồng và triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc, an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm bà con ở các xã vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Cùng với đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững… được tỉnh triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch hiện nay đạt hơn 94%, sử dụng điện đạt 98,6%, tham gia bảo hiểm y tế hơn 83%, thu nhập bình quân của bà con vùng nông thôn 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015.

Ưu tiên cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn

Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang phân đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 1 - 1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 10-10-2023 về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, khẳng định việc triển khai thực hiện tốt chương trình là góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, của đất nước.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Hàng năm, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình việc triển khai chương trình để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót.

Các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện, không đùn đẩy trách nhiệm; rà soát các danh mục dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để quyết định điều chỉnh kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của đồng bào, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân trong việc triển khai chương trình.

Người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là chủ dự án, tiểu dự án thành phần chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu xảy ra tình trạng sai sót trong quá trình triển khai thực hiện, chậm trễ hoặc không xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức nội dung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tuyên truyền, vận động phát huy truyền thống cách mạng, ý thức vượt khó, tự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các huyện, thành ủy nghiên cứu ban hành nghị quyết triển khai thực hiện chương trình; chỉ đạo tập trung đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, gắn với việc lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác; trong đó, ưu tiên cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV