Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực nêu một vài vấn đề cần lưu ý. Theo đó, ông Lực cho rằng, định nghĩa 'nhà ở hình thành trong tương lai không cần giấy chứng nhận' cần rõ ràng hơn, bởi khi ngân hàng làm hồ sơ, liên quan tài sản đảm bảo thì cần công nhận.
Thứ hai, không nên mở karaoke, kinh doanh quán bar ở chung cư vì dễ mất an toàn, trừ nhà hàng, quán cafe. Nên có niên hạn sử dụng căn hộ chung cư, nhưng cần phân định rõ ràng hơn quy định 50-70 năm. Một vấn đề khác là chung cư mini buộc phải quản lý vận hành như chung cư bình thường.
Ngoài ra, ông Lực còn cho rằng, cần cho phép huy động vốn để đặt cọc, 10-30% cũng là một khoản lớn với người mua. Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà ở.
Ủng hộ quy định sở hữu chung cư có thời hạn, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu ví dụ: "Khi chúng tôi thực hiện cải tạo chung cư cũ ở quận Hai Bà Trưng, 100% hộ gia đình đồng ý là rất khó khăn nên việc thống nhất sửa chữa cải tạo rất khó. Ngoài ra, tòa chung cư từ bê tông cốt thép thì không thể bền mãi theo thời gian”.
Ông Nguyễn Anh Quê cho rằng, cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Thời hạn chung cư có mốc nhất định, còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài. Khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Còn cơ quan nào đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng.
“Chúng ta đang có 1.557 chung cư cũ và hàng triệu tòa nhà sắp tới cần giải quyết, vậy nên việc quy định rõ ràng và hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn là rất quan trọng”, ông Quê phát biểu.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội, nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.
“Tất cả tài sản đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy, do đó khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá nhà đó có tiếp tục ở được không. Nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó, còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân”, ông Tuyến nói.
Không phân biệt nhà ở xã hội, nhà công nhân
Bàn về nhà ở xã hội, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng - kiến nghị, nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân biệt là nhà ở công nhân. Hiện, các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới trung ương, nhưng tới nay chưa được giải quyết.
Ông Toản cũng chỉ ra vấn đề khó khăn thủ tục bán nhà ở xã hội. Theo quy định, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì mới được ký hợp đồng mua bán. Điều này làm mất thời gian, không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà.
“Tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong. Tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, ông Toàn nói.
Ông kiến nghị, làm thế nào để quy trình phê duyệt nhà ở xã hội được đẩy nhanh, vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân - kiến nghị, nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó 1 năm mới được mua. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về. Họ đã đăng ký lưu trú thì có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm.
Đồng thời, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ, nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm.