Ngày 17/7/2020, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2020 cho thành viên Đội liên ngành phòng, chống in lậu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, bà Nguyễn Thị Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

{keywords}
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá, tổng kết công tác phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đồng thời triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Cũng tại hội nghị này, trong nội dung tập huấn, BTC giải đáp một số kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở Thông tin và Truyền thông, các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Hội nghị tập trung vào các nội dung: Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động in; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi nạn in lậu.

Xử phạt nhiều cơ sở in lậu

Theo báo cáo của Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương, năm 2019, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt 818.200.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 126.124 xuất bản phẩm.

{keywords}
 Bộ sách văn học kinh điển Kính vạn hoa dành cho lứa tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do NXB Kim Đồng ấn hành bị in lâu với số lượng lớn. 

Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt 483.200.000 đồng, tịch thu 27.086 xuất bản phẩm; TP.HCM tiến hành 21 cuộc, xử phạt 134.000.000 đồng; Bình Định tiến hành 26 cuộc, tịch thu 73.361 xuất bản phẩm (trong đó 01 cuộc có dấu hiệu tội phạm hình sự, với tổng giá trị sách là hơn 1,5 tỷ đồng, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh. Trong quá trình điều tra từ tháng 1 đến tháng 5/2020, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố 3 bị can là chủ nhà sách. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, để xử lý theo pháp luật).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm của các Đội liên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông giảm. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngày 9/7/2020 và 13/7/2020, Tổng Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với đơn vị chức năng ở Hà Nội phát hiện, thu giữ 26.000 bản sách và hơn 2 tấn bán thành phẩm sách giáo dục có dấu hiệu in lậu, làm giả tại 02 cơ sở: Công ty TNHH Phú Hưng Phát, Công ty cổ phần dịch vụ Chính Nghĩa ở quận Hoàng Mai và quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc tại tỉnh Phú Yên cho hơn 230 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước; tham gia phổ biến, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho một số tỉnh: Kiên Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên...; làm việc, trao đổi nghiệp vụ với một số Sở và Đội liên ngành địa phương (TP. Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ninh, Bến Tre, Tiền Giang...) về công tác quản lý in và phối hợp, phòng chống in lậu; thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành bằng hình thức trao đổi văn bản hoặc qua điện thoại với các Sở và Đội liên ngành địa phương; giải đáp thắc mắc trên 80 nội dung liên quan nghiệp vụ quản lý xuất bản và công tác phòng, chống in lậu.

Dẫu vậy, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn một số mặt hạn chế,  tính chủ động, kịp thời chưa cao. Số lượng văn bản điều hành quản lý hoạt động in của các Sở giảm 19% so với năm 2018; số lượt kiểm tra, phối hợp thanh tra xử lý vi phạm tại địa phương giảm 80% so với năm 2018.

{keywords}
Sách giả đang giết chết sách thật.

Theo số liệu báo cáo và nắm tình hình thực tế ở một số tỉnh thành phố, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý của địa phương. Nhiều cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng chưa được đưa vào danh sách cụ thể, chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực đất an ninh, quốc phòng.

Kiên quyết đẩy lùi nạn in lậu

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, đến thời điểm hiện nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã bước vào thời điểm hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, trong đó có hoạt động in. Hiện tượng in xuất bản phẩm và các sản phẩm khác không đúng quy định của pháp luật đang có dấu hiệu xuất hiện, gia tăng trở lại. Biểu hiện cụ thể là chỉ trong thời gian ngắn, xuất hiện nhiều tài khoản Facebook, YouTube, website đăng tải, giới thiệu, chào bán công khai nhiều đầu sách với giá bán thấp hơn nhiều lần so với giá bìa. "Việc này đặt ra nghi vấn, liệu các loại sách trên có được in ấn hợp pháp hay không? In tại đâu và do tổ chức, cá nhân nào thực hiện?", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đặt câu hỏi.

6 tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở in sẽ tăng tốc sản xuất, kinh doanh nhằm bù đắp thiệt hại do thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid. Việc in, phát hành sách giáo khoa chào đón năm học mới cũng được đẩy mạnh thực hiện; câu chuyện in lậu và đấu tranh chống in lậu sẽ còn nóng hơn nữa.

Nhằm tiếp tục hạn chế, ngặn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in nói riêng và hoạt động xuất bản nói chung, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành phòng chống in lậu địa phương tham gia tích cực tổng hợp, rà soát, kịp thời kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ hiệu quả, tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời rút kinh nghiệm nhân rộng kinh nghiệm tốt; bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đặc thù đội liên ngành; kết hợp thanh tra, kiểm tra với tuyên truyền, phổ biến pháp luật; mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ; có hình thức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống in lậu.

Tình Lê

Trẻ em hay bất kỳ ai đều xứng đáng được cầm trên tay sách thật

Trẻ em hay bất kỳ ai đều xứng đáng được cầm trên tay sách thật

Vấn nạn sách lậu đã tồn tại lâu đến nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung.