Phù hợp xu thế chuyển đổi số

Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phiên bản 2.0 vừa được ban hành. Mục đích nhằm xác định quy hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT của Bộ GTVT, trong đó có các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần, gắn liền ứng dụng CNTT với hoạt động nghiệp vụ.

Đồng thời, cập nhật, nâng cấp những hạng mục thành phần trong kiến trúc phiên bản 1.0 sao cho phù hợp với định hướng chung của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/2019 của Chính phủ và định hướng Chính phủ số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia; phù hợp với xu thế phát triển chung về kỹ thuật, công nghệ trên thế giới.

{keywords}
Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0 hướng tới cung cấp hiệu quả các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp với phương châm “coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm”.(Ảnh: Thùy Dung)

Việc ban hành kiến trúc phiên bản 2.0 nhằm tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung tài nguyên CNTT trong các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, giữa Bộ GTVT với Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi cả nước; hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong Bộ GTVT và cung cấp hiệu quả dịch vụ công, dịch vụ tích hợp lĩnh vực GTVT cho người dân, doanh nghiệp với phương châm “coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm”.

Kiến trúc mới còn nhằm tăng cường khả năng giám sát, đánh giá hiệu quả việc đầu tư ứng dụng CNTT của Bộ GTVT theo đúng lộ trình được phê duyệt, hướng tới triển khai Chính phủ điện tử đồng bộ; tránh đầu tư trùng lặp, dàn trải, hiệu quả sử dụng mang tính ngắn hạn; tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử của Bộ GTVT.

Những điểm mới

Là đơn vị được lãnh đạo Bộ GTVT giao trực tiếp xây dựng dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0, Trung tâm CNTT – Bộ GTVT trong hơn 3 tháng qua đã xây dựng, cập nhật nội dung của kiến trúc mới theo đúng mẫu đề cương hướng dẫn của Bộ TT&TT.

{keywords}
Mô hình kiến trúc dữ liệu 2.0 ngành giao thông vận tải (Ảnh: Thùy Dung)

Theo đại diện Trung tâm CNTT, so với phiên bản 1.0, Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0 có một số điểm mới.

Cụ thể, kiến trúc phiên bản mới đã bổ sung nội dung về chuyển đổi số, quy định việc đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 như: bổ sung các ứng dụng phục vụ Chính phủ số; chuyển đổi số cho lĩnh vực GTVT (chỉ đạo, điều hành; dịch vụ công, một cửa điện tử; Cổng dữ liệu mở…); chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics...

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, hoạt động quản lý, điều hành trong cơ quan nhà nước của ngành GTVT được chuyển đổi số toàn diện để có thể vận hành chủ yếu trên môi trường trực tuyến.

Bên cạnh đó, kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0 còn bổ sung mới các kiến trúc thành phần về an toàn thông tin, kiến trúc nghiệp vụ.

An toàn thông tin là yếu tố xuyên suốt trong tất cả các thành phần của kiến trúc, bao gồm: bảo vệ an toàn thiết bị, an toàn mạng, an toàn hệ thống, an toàn ứng dụng CNTT, an toàn dữ liệu, quản lý và giám sát. “Những nội dung này được triển khai đồng bộ tại các cấp đáp ứng nhu cầu thực tế và xu thế phát triển công nghệ”, đại diện Trung tâm CNTT cho hay.

Kiến trúc nghiệp vụ bao gồm 3 lĩnh vực nghiệp vụ: nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ quản lý hành chính và nghiệp vụ chỉ đạo điều hành ngành GTVT. Trong đó, so với kiến trúc 1.0, nghiệp vụ chỉ đạo điều hành được xếp thành nhóm nghiệp vụ riêng, thể hiện trong bối cảnh hiện tại, đây là yêu cầu quan trọng cần được đẩy mạnh, nâng cao năng lực xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương thông qua ứng dụng CNTT.

Ngoài ra, so với kiến trúc 1.0, kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0 còn có một số điểm mới khác như: điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kiến trúc dữ liệu (phiên bản 1.0 là kiến trúc thông tin); điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kiến trúc hạ tầng kỹ thuật, công nghệ (phiên bản 1.0 là kiến trúc hạ tầng thông tin). 

Gồm 6 kiến trúc thành phần là kiến trúc tổng thể, kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc hạ tầng, kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin, kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 2.0 là cơ sở, nền tảng để thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện của Bộ GTVT, hướng đến Chính phủ số và nền kinh tế số. Đây cũng là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai CPĐT tại Bộ GTVT; đề xuất và triển khai những nhiệm vụ về ứng dụng CNTT của Bộ GTVT giai đoạn ngắn và trung hạn.

Vân Anh

Hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT

Hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT

Theo Đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành của ngành phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.