Từ những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã chọn Đà Lạt làm nơi xây dựng khu nghỉ mát ở Đông Dương do lời đề nghị của người đã khám phá ra nơi này – bác sĩ Alexander Yersin. Họ đưa những kiến trúc mang bóng dáng của một thành phố Pháp nhỏ và yên bình xây dựng thành các công trình kiên cố lần đầu xuất hiện tại nơi đây.

Thành phố này hiện nay vẫn còn đang lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc Pháp ấn tượng mang hơi thở Châu Âu không trộn lẫn vào đâu được từ những cung điện, nhà ga, chợ, biệt thự, trường học,… nằm ẩn mình dưới hàng thông xanh mát luôn được gìn giữ cẩn thận. 

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 3 km về phía Tây Bắc, nằm giữa rừng thông là khu biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp gần 100 năm tuổi là một trong những nơi tập trung và còn lưu giữ được nhiều di sản kiến trúc Pháp độc đáo và đặc biệt giá trị tại vùng đất sương mù.

Trải qua gần 1 thế kỷ, khu biệt thự Lê Lai còn được coi là chứng nhân lịch sử của một Đà Lạt thuở sơ khai. Ngoài những nét kiến trúc cổ độc đáo, những vật dụng sinh hoạt còn lại trong các căn biệt thự gợi nhớ về cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu Pháp vào đầu thế kỷ 20 tại Đông Dương như: công tắc đèn, sàn lát gỗ, hệ thống cửa sổ được làm bằng gỗ quý, lò sưởi…

biethu.png
Một góc khu biệt thự kiến trúc Pháp tại Đà Lạt

Trước đây, người dân Ðà Lạt thường gọi đây là Khu cư xá ngoạn mục (Cité Bellevue).

Năm 1929, ông Jean Oneil - một đại tá quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương dưới thời Toàn quyền Doume cho xây biệt thự đầu tiên để ở và mời kiến trúc sư quy hoạch bố trí thành một khu cư xá dành cho những người bà con, bạn bè thân hữu của mình là các công chức, viên chức người Pháp đang làm việc ở Sài Gòn và Đông Dương lúc bấy giờ.

Đến năm 1938 thì 14 biệt thự còn lại trong khu cư xá mới được hoàn tất. Và như vậy, toàn khu cư xá có 15 biệt thự được xây dựng giữa những sườn đồi. Các biệt thự này đều được bố trí, chọn đặt ở những vị trí đẹp, đắc địa và có khuôn viên rộng từ 1.000 m2 đến 2.000 m2. Nhà được thiết kế từ 1 đến 2 tầng không kể tầng hầm để chứa thức ăn và có lối thông ra vườn. Quanh nhà còn bố trí sân dạo, vườn hoa và có những khoảnh đất trống để trồng cây xanh. Khoảng cách giữa các nhà đủ xa, đảm bảo được không gian yên tĩnh cũng như sự riêng tư cho mỗi gia đình.

Phong cách kiến trúc của các biệt thự này rất phong phú, đa dạng, chịu ảnh hưởng từ các kiến trúc của nhiều vùng, miền khác nhau của nước Pháp. Nhưng chủ yếu vẫn là kiến trúc của vùng núi Đông Nam nước Pháp - quê hương của ông Jean Oneil.

Theo kết quả đánh giá của các kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì tất cả 15 biệt thự của khu Lê Lai đang hiện hữu là các di sản “kiến trúc pháp đặc biệt giá trị tại Đà Lạt. Và chúng thuộc phong cách kiến trúc kết hợp”.

Điều đặc biệt ở đây là các biệt thự của khu Lê Lai cũng như các di sản kiến trúc Pháp khi được xây dựng tại Đà Lạt nó đã được biến đổi phù hợp với khí hậu và cảnh quan nơi đây cũng như sở thích, sự tinh tế của mỗi chủ nhân. Kiến trúc Pháp ở đây là loại đặc trưng, thích hợp với khí hậu Đà Lạt lạnh ẩm, mưa nhiều: Cửa sổ hai lớp, các lá xếp nghiêng, mưa không tạt vào được, độ ẩm cao mà khí vẫn lưu thông thoát ra ngoài, ở Pháp không có và hiếm thấy nhưng ở Đà Lạt thì rất phổ biến và ở khu biệt thự này cũng không ngoại lệ. Tường nhà rất dày, khoảng 30 - 40 cm, để vừa thay trụ chịu lực vừa cách âm và giữ nhiệt, làm cho ngôi nhà được ấm áp trong mùa đông…

Ở Pháp, các nhà đều có tầng hầm nhưng sang Việt Nam hạn chế tầng hầm mà phổ biến là bán hầm tránh đất ẩm ướt, mưa nhiều (ở Pháp không có độ ẩm cao như Đà Lạt - Việt Nam).

Khu biệt thự Lê Lai là một trong những điển hình của di sản kiến trúc Pháp tại Đà Lạt. Trải qua thời gian dài hàng thập niên cùng với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những biệt thự này ngày nay vẫn còn giữ nguyên được hình dáng kiến trúc với vẻ đẹp cổ kính có sức lôi cuốn mê hoặc lòng người một cách lạ kỳ bởi sức hấp dẫn của chúng còn được thể hiện qua cách bài trí nội thất rất tinh tế và có phần xa xỉ của chủ nhân mà phần lớn là tầng lớp trung lưu, quan chức người Pháp trước đây.

Khu biệt thự Lê Lai cùng với khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Dinh Toàn quyền Decoux và trên 100 biệt thự khác rải rác dọc các đường phố chính của thành phố tạo thành một di sản kiến trúc Pháp tại Đà Lạt.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV