Bà Tuất dáng người nhỏ, đen nhẻm. Chồng bà mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Khi đưa con gái đi lấy chồng, mình bà sống trong ngôi nhà vách đất 2 gian.
Bà Hoàng Thị Tuất tại ngôi nhà cũ hư hỏng nặng đã được tháo dỡ còn trơ lại phần móng nhà |
Ngôi nhà của bà dột nát từ lâu, nhiều lần thôn làng vận động bà xây nhà mới ở cho an toàn nhưng bà không có tiền.
Mấy năm trước xã cấp cho bà 1 con bò, những tưởng bò lớn bán đi rồi vay mượn thêm để dựng căn nhà nho nhỏ, nhưng con bò cũng lâm bệnh mà chết, mơ ước làm cũng tiêu tan từ đó.
Bà Tuất bảo, nhà làm đã lâu, cột nhà xiêu vẹo hết, đêm đến những con mối, mọt, thay nhau nghiến gỗ nghe ken két. Nhiều hôm bưng cơm ăn bụi gỗ rơi khắp nơi, nước mắt bà cứ thế chảy vào cơm. Những lúc mưa to, gió lớn bà phải sang ngôi nhà bà cố bên cạnh tá túc vì sợ nhà mình sập.
Nhận thấy ngôi nhà không thể chịu đựng được nữa khi mùa mưa lũ tới gần, người con rể của bà khuyên bà làm đơn lên chính quyền xin kêu gọi hỗ trợ làm nhà, một mặt thuê người dỡ nhà cũ, làm một cái móng nhà mới để khi xin được tiền hỗ trợ thì làm nhà cho bà Tuất ở.
“Móng nhà mới đang làm đó nhưng nhà cũ không còn nên tôi tạm thời xin ở bên nhà bà cố, lúc nào xin được hỗ trợ thì xây tiếp chứ ở trong ngôi nhà cũ đó không biết nó sập lúc nào” – bà Tuất nói.
Những mảnh đời lắt lay
Đợt tìm hiểu theo lời kêu gọi của huyện Nghi Xuân, chúng tôi đã tìm gặp thêm 2 hoàn cảnh rất đáng thương nữa. Đó là trường hợp của anh Thiều Văn Toàn (SN 1984, trú thôn 6, xã Xuân Hồng) và trường hợp của cụ Trần Thị Danh (SN 1926, trú tại thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang).
Anh Toàn và đứa con trai đầu trong căn lều rộng chưa đầy 20m2 |
Anh Toàn còn trẻ nhưng do học hành ít nên sớm lam lũ Bắc – Nam làm thuê kiếm sống, trong một lần vào Tây Nguyên làm thuê, anh Toàn gặp được chị Nguyễn Thị Tuyết Thu và kết duyên vợ chồng.
Cả hai vợ chồng anh Toàn không có nghề nghiệp, cưới nhau xong được bố mẹ chồng cho ở riêng trong căn lều nhỏ chừng 20 m2.
Chiếc lều quá chật chội với vợ chồng anh Toàn cùng 2 đứa con nên vợ chồng anh Toàn chăm chỉ làm ăn, gom góp với ý định xây căn nhà rộng rãi hơn. Nhưng biến cố ập đến khi chị Thu bị mắc bệnh tim, bao nhiêu tiền gom được đổ dồn vào chữa bệnh cho người vợ.
“Vừa rồi được tin có nguồn hỗ trợ xây nhà nên tôi đã viết đơn gửi xã và huyện xét, mặc dù chưa có tiền hỗ trợ nhưng người thân trong gia đình đứng ra mua chịu vật liệu cho tôi về bỏ móng trước, đợi có tiền hỗ trợ mới xây” – anh Toàn nói.
Căn nhà nhỏ của cụ Danh chực đổ xuống khi có gió lớn |
Hoàn cảnh cụ Trần Thị Danh (SN 1926, trú tại thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang) cũng rất tội nghiệp. Đã 93 tuổi nhưng cụ vẫn sống một mình, để tiếp cận được nơi cụ sống chúng tôi phải đi thuyền ra một chiếc đảo nổi giữa sông. Cụ có 8 người con nhưng phần lớn con cụ đi lập nghiệp ở trong Nam.
Sống gần cụ hiện nay chỉ có một người con trai có gia đình nhà cách cụ khoảng 100m và 2 người con gái không có chồng ở riêng một ngôi nhà cấp 4 cùng chung vườn với cụ.
Căn nhà cụ đang sinh sống đã hư hỏng nặng, tường đã bong hết lớp da bên ngoài, nhiều năm qua cụ mong mỏi có một căn nhà nhỏ kiên cố không thể xin được nguồn hỗ trợ.
Có một điểm chung là tất cả các gia đình chúng tôi ghé thăm đều nằm trong diện hộ nghèo nhất nhì của xã, mỗi người mỗi hoàn cảnh hết sức éo le.
Ông Lê Tiến Hải – Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện Nghi Xuân cho biết, nhân kỉ niệm 550 năm ngày thành lập huyện, địa phương này đã khảo sát và xét duyệt cho 81 trường hợp hộ nghèo để xin nguồn hỗ trợ xây nhà cửa.
Từ khi phát động chương trình này đến nay, một số hộ gia đình đã tiếp cận được nguồn hỗ trợ, đang tiến hành xây nhà hoặc đã xây nhà xong. Một số gia đình tuy chưa được tiếp cận nguồn thì họ đang vay mượn tiền để làm móng trước, đợi nguồn về để tiếp tục xây nhà.
“Các gia đình được xét duyệt đều xây nhà theo một thiết kế, mức tối đa kêu gọi hỗ trợ mỗi gia đình là 70 triệu đồng. Đây là những gia đình rất nghèo nên nguồn hỗ trợ đến với họ rất quý giá” – ông Hải nói.
Lê Minh – Phạm Tâm