Chiều tối 27/11 (giờ địa phương), khi bên ngoài lạnh 2 độ, không khí Giáng sinh sớm đã ngập tràn khắp ngõ ngách những con phố của TP Bern (Thuỵ Sĩ), dòng người hối hả qua lại, bên trong khách sạn Bellevue Place là cuộc gặp ấm cúng giữa Chủ tịch nước với cộng đồng người Việt Nam ở Thuỵ Sĩ.

Ngay từ sớm, cộng đồng người Việt tại Thuỵ Sĩ đã háo hức đến và chờ đợi được gặp gỡ vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Khi Chủ tịch nước vừa bước vào, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay. Chủ tịch nước lần lượt chào và bắt tay từng người, dành cho họ những lời hỏi thăm chân tình.

Chuyến thăm lịch sử

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là chuyến thăm lịch sử minh chứng quan hệ Việt Nam-Thuỵ Sĩ trong 50 năm qua.

{keywords}
 Chủ tịch nước và bà con kiều bào tại Thụy Sĩ

Cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ có gần 10.000 người ở nhiều bang, tuy không đông như các nước khác nhưng nữ Đại sứ cho biết, rất tự hào vì cộng đồng luôn thân thiện và hướng về đất nước. Bà con từ nhiều bang trên khắp Thụy Sĩ đã về đây, rất háo hức chờ đón cuộc gặp với Chủ tịch nước và đoàn.

"Tổng thống Thụy Sĩ nhắc đi nhắc lại chuyến thăm của Chủ tịch nước lần này là chuyến thăm lịch sử, bằng chứng về tình hữu nghị như chúng ta kỷ niệm đám cưới vàng 50 năm", Đại sứ ví von và ngay sau đó toàn thể bà con và các đại biểu vỗ tay hưởng ứng.

Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội Thụy Sĩ đều bày tỏ tin tưởng vào tương lai tươi sáng, mối quan hệ, nền tảng tốt đẹp, điều này không chỉ thể hiện vị thế của đất nước, mà còn là tình cảm đặc biệt dành cho cá nhân Chủ tịch nước như những người bạn cũ với sự đón tiếp trọng thị. Trong cuộc hội đàm, trao đổi Chủ tịch nước đều nhấn mạnh về mối quan hệ hai nước cần hướng tới tương lai.

{keywords}
 

Chủ tịch nước chia sẻ trong cuộc gặp hôm nay ông muốn dành thời gian để nghe phát biểu, tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều từ người lớn tuổi, người trẻ tuổi đến những người có nghề nghiệp khác nhau.

Anh Lưu Vĩnh Toàn, Chủ tịch hội trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Thuỵ Sĩ cho hay bản thân rất xúc động vinh dự khi được đại diện cộng đồng phát biểu trong cuộc gặp gỡ: "Tôi luôn có cảm giác, hơn 20 năm sang Thụy Sĩ, những đóng góp của mình cho Việt Nam vẫn còn hạn hẹp". Anh cho biết, hoạt động của hội trí thức chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ được truyền cảm hứng từ những thế hệ đi trước nhưng vẫn luôn nhiệt tình với hoạt động của cộng đồng với mong muốn đưa tri thức về hỗ trợ đất nước. 

Đội ngũ trí thức người Việt mặc dù làm việc trong các doanh nghiệp khắp nơi nhưng luôn có đóng góp cho các hoạt động trong nước…

{keywords}
Anh Lưu Vĩnh Toàn 

Anh Toàn nhấn mạnh, được làm việc sinh sống tại Thụy Sĩ đó là sự may mắn, tuy nhiên mỗi người đều không quên nguồn gốc, quê hương của mình. Đất nước ta đã có được vị thế mới, mỗi thành viên trong hội luôn trăn trở làm thế nào đưa kiến thức, kinh nghiệm của mình giúp đỡ được quê hương, đất nước.

Mỗi hội viên luôn tâm niệm kể cả không có đóng góp cho công việc ở Việt Nam thì vẫn làm tốt nhất công việc của mình ở Thụy Sĩ để bạn bè quốc tế thấy được người Việt Nam có khả năng, có tri thức, luôn vươn lên, là đối tác tin cậy…mở ra cho đất nước những quan hệ hợp tác mới. 

Ông Lưu Trí Diễn một Việt kiều sống lâu năm tại Thụy Sĩ xúc động bày tỏ, 2 năm rồi ông chưa được về thăm Việt Nam nên "nhớ ơi là nhớ", ông mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ sớm tạo điều kiện để bà con Việt kiều về được quê.

Chủ tịch nước thông tin, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, với các ca lây nhiễm nhưng nước ta đã có đủ lượng vắc xin để tiêm cho nhân dân, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa, từ giờ đến Tết bà con có thể được về thăm quê. Nghe được lời của Chủ tịch nước, bà con "được lời như cởi tấm lòng" đồng loạt vỗ tay.

{keywords}
Kiều bào phát biểu ý kiến

Một kiều bào khác hỏi về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong phòng chống đại dịch. Chủ tịch nước cho biết, Tổng thống và nhân dân Thụy Sĩ đã hỗ trợ nước ta rất nhiều thiết bị y tế, thuốc. Bộ Y tế đang làm việc với các hãng dược tại Thụy Sĩ để sản xuất vắc xin, thuốc tại Việt Nam tạo thế chủ động trong nước. Hai bên đã có biên bản ghi nhớ về vấn đề này.

Việt kiều Phạm Nam Kim chia sẻ, ông đã sống nhiều năm ở Thụy Sĩ nên hiểu rõ con người nơi đây, đặt vấn đề về nguồn nhân lực mà theo ông Việt Nam nên học Thụy Sĩ. Khác biệt trong chương trình đào tạo của Thụy Sĩ đó là làm sao phát triển người lao động làm việc tích cực, họ có chương trình đào tạo kép vừa đi học vừa đi làm. Cho biết đã nhiều lần về Việt Nam, 15 năm làm tư vấn, ông Kim đánh giá phần lớn lao động trong nước thiếu đào tạo. 

{keywords}
 

Tinh thần dân tộc Việt Nam 'máu chảy, ruột mềm'

Chia sẻ ý kiến với bà con kiều bào, Chủ tịch nước cảm động khi được gặp bà con trong một bầu không khí nồng ấm, với tình cảm thân thương; lắng nghe các ý kiến với cùng mục tiêu hướng về đất nước.

Nêu về mối quan hệ nửa thế kỷ giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ, Chủ tịch nước cho biết trong chuyến thăm lần này, nước bạn đã đón tiếp trọng thể, chân tình, dành nhiều tình cảm cho đoàn Việt Nam.

"Tổng thống Thụy Sĩ và Thị trưởng TP Bern đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của bà con Việt kiều - là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Họ công nhận người Việt Nam chịu khó và tuân thủ pháp luật, họ có niềm tin vào người Việt Nam rất lớn. Khi nghe được điều này tôi rất vui", Chủ tịch nước chia sẻ.

Đồng cảm với bà con đã 2 năm chưa được về thăm quê, Chủ tịch nhấn mạnh: "Tinh thần dân tộc Việt Nam 'máu chảy, ruột mềm' hướng về Tổ quốc, tất cả bà con ngồi đây mặc dù bận rộn nhưng luôn đau đáu nhớ về Việt Nam".

Điểm lại tình hình phát triển KTXH trong nước, Chủ tịch nước cho biết, đất nước có sự thay đổi nhiều, kinh tế vĩ mô luôn ổn định, 5 năm qua nước ta luôn xuất siêu, từ 1 nước kim ngạch chỉ vài tỷ USD đến năm nay kim ngạch hai chiều đạt trên 600 tỷ USD. Thế giới đánh giá nước ta hội nhập, phát triển đúng hướng.

Đường lối của Đảng, Nhà nước luôn hướng về nhân dân, lo cho dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự được đảm bảo và quốc phòng an ninh được giữ vững.

{keywords}
Chủ tịch nước chia sẻ với Cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ

Nói về đợt dịch thứ 4 gây ra tổn thất nặng nề cả về người và tài sản, kinh tế bị ảnh hưởng, mức sống của người dân bị sụt giảm, Chủ tịch nước thông tin ở trong nước vừa làm lễ tưởng niệm cho những người đã khuất do dịch Covid-19. Đảng và Nhà nước cùng nhân dân đã đoàn kết, cố gắng vươn lên, đến giờ phút này chúng ta đã kiểm soát căn bản dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép.

Năm 2021 tuy khó khăn nhưng nước ta vẫn giữ được tăng trưởng 2,8%, theo dự báo của WB năm 2022 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%.

Việt Nam đã có được 200 triệu liều vắc xin, cuối tháng 12 sẽ có gần 100% người dân được tiêm 2 mũi vắc xin, tiến tới mũi thứ 3.

Chủ tịch nước tâm sự, trong tình hình khó khăn như vậy, tinh thần tương thân, tương ái lại được thể hiện đậm nét. Tất cả đã nói lên tấm lòng của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong đó có sức mạnh của bà con Việt kiều. Chủ tịch nước bày tỏ sự biết ơn những đóng góp đáng trân trọng của bà con.

Nghị quyết 36 Bộ Chính trị đã khẳng định kiều bào là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, bà con là nguồn lực quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Vừa qua, Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận 12 với tinh thần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ hơn nữa đối với công tác kiều bào.

Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước xác định thu hút nguồn lực trí thức của kiều bào để đóng góp cho đất nước, đây cũng là điều mà một số kiều bào đã phát biểu. Cần có cơ chế phát huy hiệu quả sáng kiến của bà con Việt kiều, quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng của kiều bào ta...

Trần Thường từ Bern, Thuỵ Sĩ

Nhiều người Thuỵ Sĩ hâm mộ văn hoá, cảnh vật Việt Nam

Nhiều người Thuỵ Sĩ hâm mộ văn hoá, cảnh vật Việt Nam

Thị trưởng thành phố Bern bày tỏ ấn tượng về cảnh sắc, văn hoá và con người Việt Nam, ông cho biết sẽ thu xếp thời gian để đến thăm Hồ Gươm, Hà Nội và nhiều nơi khác.