Bà Iryna Vereshchuk cho biết, các lực lượng Nga đang "quân sự hóa" khu vực cấm xung quanh nhà máy Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất thế giới năm 1986.
Một khu vực thuộc nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Ukraine. Ảnh: AP |
Theo phó Thủ tướng Ukraine, binh lính Nga đang vận chuyển một lượng lớn vũ khí cũ và được bảo dưỡng kém, tạo ra nguy cơ làm hỏng lớp vỏ ngăn chặn được xây dựng xung quanh lò phản ứng gặp sự cố của nhà máy Chernobyl. Quan chức này tố cáo quân Nga thậm chí ngăn chặn các lính cứu hỏa kiểm soát nhiều đám cháy lớn trong khu vực.
"Trong bối cảnh an toàn hạt nhân, các hành động vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của quân nhân Nga là mối đe dọa rất nghiêm trọng không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với hàng trăm triệu người châu Âu. Chúng tôi do đó yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng ngay lập tức các biện pháp phi quân sự hóa khu vực loại trừ xung quanh nhà máy Chernobyl cũng như xúc tiến một sứ mệnh đặc biệt nhằm loại bỏ nguy cơ lặp lại tai nạn ở Chernobyl do các hành động của lực lượng Nga chiếm đóng", bà Vereshchuk viết trên trang Telegram cá nhân.
Reuters cho biết hãng tin này chưa thể xác minh các thông tin của bà Vereshchuk. Các lực lượng Nga đã thâu tóm quyền kiểm soát nhà máy Chernobyl từ những ngày đầu tiên mở chiến dịch tấn công quân sự sang nước láng giềng hồi cuối tháng 2. Kiev cáo buộc quân Nga từng cấm các nhân viên bảo trì rời cơ sở hoặc cho các đồng nghiệp đổi ca luân phiên với họ.
Tuy nhiên, Moscow phủ nhận việc các lực lượng của họ đã đẩy các cơ sở hạt nhân ở Ukraine vào rủi ro.
Nga cắt đứt tiếp cận hàng hải quốc tế của Ukraine
Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố báo cáo tình báo mới nhất về tình hình chiến sự, trong đó khẳng định Nga vẫn duy trì phong tỏa từ xa bờ Biển Đen của Ukraine, cô lập nước láng giềng khỏi thương mại hàng hải quốc tế.
Cảnh đổ nát tại thành phố cảng Mariupol, miền đông Ukraine đang bị quân Nga bao vây, oanh tạc dữ dội. Ảnh: Reuters |
"Lực lượng hải quân Nga cũng đang tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa lẻ tẻ nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine. Việc tàu đổ bộ Saratov tại Berdyansk bị phá hủy có thể sẽ gây tổn hại đến niềm tin của Hải quân Nga trong việc tiến hành các hoạt động gần bờ biển Ukraine trong tương lai”, trích báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh.
Nga - Ukraine chốt thời điểm đàm phán mới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 27/3 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Erdogan đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine cũng như việc thực hiện hòa bình và cải thiện các điều kiện nhân đạo trong khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters |
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, vòng hòa đàm tiếp theo giữa Moscow và Kiev sẽ diễn ra tại thủ đô Istanbul của nước này.
Trước đó, nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine thông báo, các cuộc đàm phán trực tiếp mới giữa Kiev với Moscow sẽ được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vào các ngày 28 - 30/3.
Theo CNN, trong một thông điệp video đăng tải trên mạng xã hội cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, hòa bình và khôi phục cuộc sống bình thường là mục tiêu của Kiev khi bước vào vòng thương lượng mới với Nga.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó qua video trực tuyến với các phóng viên Nga, ông Zelensky khẳng định, Ukraine sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập trong thỏa thuận hòa bình với Nga, nhưng thỏa thuận đó cần sự bảo đảm của các bên thứ 3 và được trưng cầu dân ý.
Ông Biden phủ nhận kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/3 cho biết, ông không có ý kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga khi phát biểu tại Ba Lan rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "không thể tiếp tục cầm quyền".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu gây tranh cãi ở Ba Lan ngày 26/3, lãnh đạo Nhà Trắng cũng gay gắt lên án ông Putin vì mở chiến dịch tấn công nước láng giềng.
Khi được hỏi về phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov quả quyết: "Đó không phải là việc để ông Biden quyết định. Tổng thống Nga do người dân Nga bầu chọn".
Theo báo Guardian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế lời nói và hành động liên quan đến xung đột ở Ukraine.
"Tôi sẽ không sử dụng kiểu từ ngữ này vì tôi tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận với Tổng thống Putin. Chúng tôi muốn làm gì ở góc độ tập thể? Chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến Nga đã phát động ở Ukraine mà không gây chiến và không leo thang”, ông Macron nói.
Tuấn Anh
Ukraine lên án trưng cầu dân ý ở vùng ly khai, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối 'đốt cầu nối' Nga
Ukraine lên án việc Nga tổ chức trưng cầu dân ý ở vùng ly khai Luhansk, miền đông nước này, đồng thời cảnh báo Moscow về hậu quả nếu làm điều đó.