Trước đó, ông Schallenberg trong một phát biểu hôm 23/4 đã cho rằng việc Ukraine được kết nạp làm thành viên chính thức của EU có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho Kiev.
Theo Ngoại trưởng Áo, việc thắt chặt mối quan hệ giữa Ukraine và EU là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với cả 2 bên. Tuy vậy, ông cho rằng thay vì sớm công nhận tư cách thành viên của Ukraine, khối nay nên cân nhắc việc kết nạp Ukraine vào Khu vực Kinh tế châu Âu hoặc ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện với đất nước này như một giải pháp thay thế.
Theo Russia Today, khi được hỏi về phản ứng của Kiev trước gợi ý trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết: "Chúng tôi vô cùng thất vọng trước phát biểu của Ngoại trưởng Áo về tương lai của Ukraine tại EU. Chúng tôi xem những phát ngôn đó là thiển cận về mặt chiến lược và đi ngược lại lợi ích của một châu Âu thống nhất".
Ngoài ra, ông Nikolenko cũng cho rằng Ngoại trưởng Schallenberg đã bỏ qua quan điểm tích cực của "đại đa số" các thành viên sáng lập EU về tư cách thành viên của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của Ukraine như "một tiền đồn bảo vệ an ninh cho EU", và vì thế quốc gia này có đầy đủ lý do để "yêu cầu sự nhìn nhận khách quan về giá trị và vai trò chiến lược của mình".
Mỹ sẽ mở lại đại sứ quán ở Kiev
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Washington sẽ sớm mở lại đại sứ quán tại Ukraine, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho nước này.
“Từ khi giao tranh bắt đầu, chúng tôi có một đội ngũ tại Ba Lan phụ trách xử lý công việc”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 24/4 nói với báo chí, “Từ tuần này, họ có thể di chuyển hàng ngày sang Lviv (Ukraine), và dần khôi phục sự hiện diện tại Kiev”.
Cũng trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong những ngày tới, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đề cử đại sứ Mỹ tại Slovakia làm tân đại sứ của nước này tại Ukraine, vị trí vốn bị bỏ trống từ năm 2019.
Trước đó, các nước châu Âu, trong đó có Anh, tuyên bố sẽ mở lại hoạt động của đại sứ quán tại Kiev.
Nga yêu cầu Mỹ ngưng cấp vũ khí cho Ukraine
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-24, Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, cho biết Moscow đã gửi công hàm tới Washington để yêu cầu nước này ngưng cung cấp vũ khí cho Kiev.
“Số vũ khí trị giá 800 triệu USD này sẽ được cung cấp cho Kiev từ Washington. Đây là một con số khổng lồ, nó không góp phần tạo nên giải pháp ngoại giao để giải quyết tình hình”, Đại sứ Antonov nói, theo hãng thông tấn TASS.
“Chúng tôi đã gửi một công hàm để nhấn mạnh tình trạng Mỹ đang ồ ạt gửi vũ khí vào Ukraine là không thể chấp nhận được, và yêu cầu chấm dứt hoạt động này”, ông Antonov nói thêm, đồng thời cho rằng Mỹ đang “cố gắng đưa thêm nhiều vũ khí hơn nữa và làm căng thẳng thêm tình hình”.
Nhiều khu vực tại Ukraine trúng pháo kích
Trong một bài đăng trên Telegram hôm 24/4, Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Haidai cho biết toàn bộ các khu vực trong tỉnh đang phải hứng chịu "các trận pháo kích lớn" vào đúng dịp Lễ Phục sinh, khiến 3 tòa nhà cao tầng, 4 ngôi nhà và nhiều phương tiện giao thông bị phá hủy.
Ông Haidai cũng cho biết, quân đội Nga đã có lần thứ 3 tấn công nhà máy lọc dầu ở thành phố Lisichansk, song chưa nêu chi tiết con số thương vong.
Cùng ngày, một số ghi nhận đang chờ xác minh cho biết một vụ nổ đã xảy ra ở thành phố Lviv phía tây Ukraine, với một đám khói lớn được nhìn thấy ở một địa điểm không xác định. Còi báo động đã được kích hoạt ở thủ đô Kiev và nhiều khu vực trên khắp Ukraine trong đêm 24/4.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters, dẫn lời Giám đốc Công ty Đường sắt Ukraine Oleksander Kamyshin, đưa tin 5 nhà ga đã bị bốc cháy do trúng pháo kích ở miền tây và miền trung Ukraine vào rạng sáng 25/4, và con số thương vong đang được ghi nhận. Cuộc tấn công diễn ra trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ, và các thông tin chi tiết đang chờ được kiểm chứng.
Việt Anh