Thôn Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) nằm bao quanh giữa núi đồi với diện tích tự nhiên 458ha. Nhờ lợi thế về đi lại (cách trung tâm Thị trấn Tam Sơn 2km), ngôi làng nhỏ này đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch thời gian gần đây. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất từ làm nông sang kinh doanh dịch vụ lưu trú trải nghiệm văn hóa bản địa, nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, cuộc sống dần no đủ.
Thôn Nặm Đăm là nơi sinh sống của người Dao Chàm với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều trình tường, mộc mạc, theo kiến trúc của đồng bào Dao.
Một trong số trường hợp ăn nên làm ra đó là gia đình chị Phàn Thị Liên (28 tuổi). Trước kia, cả nhà chị sống nhờ vào làm nương rẫy. Ngôi nhà đắp đất, chỉ có 1 tầng, nhỏ hẹp. Cuối năm 2018, Nhà nước và UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đẩy mạnh du lịch hóa địa phương, chị Liên và chồng con được nhận hỗ trợ 60 triệu đồng, khuyến khích sửa chữa lại nhà truyền thống để kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Việc kinh doanh, làm dịch vụ du lịch bỗng nhiên đến nhanh khiến hai vợ chồng chị hết sức lo lắng. "Trước đó, chúng tôi chân lấm tay bùn, ngày ngày bám mình trên nương rẫy. Tôi và chồng cũng không hiểu nhà truyền thống đắp đất chẳng khang trang gì, liệu có khách đến ở không. Nhưng nhờ được nhà nước hỗ trợ, các cấp chính quyền địa phương cũng động viên nên gia đình tôi và vài hộ trong thôn đợt ấy cũng gật đầu để làm", chị Liên kể về những ngày đầu bắt tay vào làm du lịch.
Chị Liên không thể ngờ việc kinh doanh homestay đã khiến kinh tế gia đình thay đổi nhanh như vậy. Từ làm nông với cuộc sống vất vả nặng nhọc, cả nhà đã thoát nghèo. Sau 2 năm dành dụm, chị trả hết nợ, xây thêm một dãy 4 phòng nhỏ bên cạnh để mở rộng kinh doanh.
Vẫn với mô hình nhà đắp đất truyền thống, chị Liên đón khách đều đặn. Nhiều đoàn khách nước ngoài đến đây nghỉ chân liên tục.
Chị Liên chia sẻ thêm, những năm gần đây Hà Giang đẩy mạnh các dịch vụ du lịch trải nghiệm khám phá. Nhiều đoàn xe của dân phượt hoặc đội chơi thể thao dừng chân tại nhà chị, lượng khách có thể lên tới 50 - 70 người cùng lúc.
"Không thể phủ nhận từ khi làm du lịch, gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế dần no đủ. Hiện nay tôi vẫn duy trì việc làm nương rẫy nhưng vào các ngày cần thiết tôi thuê người làm nên cũng đỡ vất vả", chị Liên nói.
Du lịch Hà Giang những năm gần đây được đẩy mạnh, hướng đến mục tiêu phát triển đều đặn cả 4 mùa trong năm, bởi vậy các dịch vụ, mô hình du lịch trải nghiệm được liên kết chặt chẽ với nhau.
Gia Kiệt và Minh (đến từ Hà Nội) chọn dừng chân ở thôn Nặm Đăm trong chuyến du lịch. "Chúng tôi chọn thôn Nặm Đăm bởi sự yên tĩnh và nét độc đáo của những ngôi nhà đất. Dù nơi đây cách các điểm tham quan xa từ 5-10km nhưng thấy các cung đường đều tiện lợi và cảnh sắc đẹp mắt, mọi trở ngại đã không thành vấn đề", Gia Kiệt nói.
Theo anh Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã, toàn thôn có hơn 60 hộ dân với gần 300 khẩu, trong đó 26 hộ làm du lịch cộng đồng. Mức thu bình quân của các hộ làm du lịch cộng đồng đạt hơn 45 triệu đồng/hộ/năm. Có những hộ mạnh, thu từ trên 300 triệu đồng đến ngót tỷ đồng.
Bảo tồn truyền thống và phát triển du lịch đã trở thành hướng đi bền vững cho bà con nơi đây. Nhờ đó, thời gian qua Nặm Đăm vinh dự được nhận giải thưởng Asean dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.