Một người dùng điện thoại tại Việt Nam hôm 29/8/2017. Ảnh: Reuters |
Covid-19 thúc đẩy làn sóng làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn tận nơi và giải trí tại Đông Nam Á. Báo cáo mới của Google, Temasek và Bain & Co chỉ ra khu vực, bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines, tăng thêm 40 triệu người dùng Internet mới trong năm nay, nâng tổng số lên 400 triệu. Như vậy, 70% dân số Đông Nam Á đã nối mạng.
Các nhà bán lẻ trực tuyến nổi lên như người hưởng lợi lớn từ quy định phong tỏa Covid-19 vì mọi người tăng cường mua sắm tại gia thay vì đến cửa hàng vì sợ nhiễm bệnh. Thương mại điện tử trong khu vực tăng 63%, đạt 62 tỷ USD trong năm 2020. Theo báo cáo, kinh tế Internet Indonesia và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số.
Không ngạc nhiên khi ngành du lịch trực tuyến bị ảnh hưởng nặng nhất. Giá trị giao dịch giảm 58%, xuống 14 tỷ USD. Vận tải và giao đồ ăn – lĩnh vực Grab và Go-Jek thống trị - cũng bị tác động, giảm 11% xuống 11 tỷ USD. Nhu cầu gọi xe theo yêu cầu giảm mạnh trên toàn cầu, khiến Grab và Go-Jek phải cắt giảm nhân sự.
Ngoài ra, dịch bệnh cũng đẩy nhanh quá trình tiếp nhận dịch vụ tài chính trực tuyến do nhiều người dùng ưu tiên hình thức thanh toán không chạm so với tiền mặt.
Ngành công nghiệp trực tuyến Đông Nam Á có thể tăng gấp ba, đạt 309 tỷ USD vào năm 2025, trong đó mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 172 tỷ USD, cao hơn ước tính trước đó là 153 tỷ USD. Với mức tăng 11% về người dùng trên mạng, Đông Nam Á đang là thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tại, thế giới có 4,7 tỷ người dùng Internet, tăng 7,4% so với một năm trước, theo wearesocial.com.
Tỉ lệ sử dụng Internet tăng đã giúp hình thành các kỳ lân công nghệ như Grab, Go-Jek. Startup Đông Nam Á cũng thu hút hàng tỷ USD từ những công ty công nghệ và đầu tư toàn cầu. Theo báo cáo, startup của khu vực huy động được 6,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, giảm từ 7,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Các giao dịch đầu tư vào startup không phải unicorn trên đà tăng.
Du Lam (Theo Reuters, Bloomberg)
Hiệp định EVFTA - Cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số cho Việt Nam
Các chuyên gia nhìn nhận Hiệp định EVFTA là giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy để tận dụng được cơ hội.