Tỷ trọng kinh tế số ngày càng tăng là do hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Tính đến nay, cả tỉnh có 10.085 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, chiếm 72% tổng số doanh nghiệp; 100% cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế.
 

vinh phuc 1.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt - một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử ngày càng sôi động, người dân đã dần thay đổi thói quen từ dùng tiền mặt sang thanh toán điện tử. Tại các siêu thị, cửa hàng lớn như: Coopmart Vĩnh Phúc, Go! Vĩnh Phúc, Lan Chimart, Vinmart +, các chợ truyền thống... hoạt động mua bán, thanh toán điện tử diễn ra rất sôi động.

Điều này tạo nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc tiến nhanh đến mục tiêu vào năm 2025 có 55% người dân ở các thành phố tham gia mua sắm trực tuyến; 55% thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các giao dịch mua hàng trên ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Đồng thời, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 410.000 tỷ đồng với tăng trưởng bình quân 10,8%/năm; đưa Vĩnh Phúc nằm trong top 15 cả nước về chỉ số thương mại điện tử.

Để nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 300 doanh nghiệp công nghệ số, năm 2030 có tối thiểu 1.100 doanh nghiệp công nghệ số, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tuyên truyền chiến lược Make in Viet Nam để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này; xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm số, nội dung số phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số trên các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, logistics, nông nghiệp và dịch vụ…

Theo Thanh Nga (Cổng thông tin-giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc)