Thương mại điện tử đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế số tại Việt Nam
Tại diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I vừa diễn ra giữa tháng 9/2023, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số Việt Nam đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.
Còn tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III năm 2023 vừa diễn ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỉ trọng kinh tế số/GDP quý II năm 2023 ước tính đạt 15,26%, tỉ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%. Điều đó cho thấy Việt Nam phải nỗ lực thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh trong 7 năm tới…
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cuối năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỉ USD trong năm 2021 lên 23 USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử (TMĐT) so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo đánh giá TMĐT trở thành “đầu tàu” trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng TMĐT trong năm 2023.
Bà Stephanie, Phó Chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á, nhận định: “Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm 2022 với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và TMĐT có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỉ USD vào năm 2025”.
Động lực thúc đẩy phát triển TMĐT Việt Nam nhờ vào phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%). Bên cạnh đó, người dùng kỹ thuật số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ kỹ thuật số cao nhất, trong đó lĩnh vực TMĐT, thực phẩm và tạp hóa đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%.
Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực với 23% người tham gia khảo sát cho biết, họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Còn nhiều lĩnh vực tiềm năng chờ khai phá
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào TMĐT. Trong khi đó, kinh tế số còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác mà Việt Nam đang có đầy tiềm năng nhưng chưa được “khai phá”.
Trong đó đáng chú ý là vật lý số (phygital), đây là một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng phát triển. Phygital - thuật ngữ kết hợp giữa hai từ Physical (vật lý) và Digital (kỹ thuật số) - là công nghệ kết hợp giữa thế giới vật lý và thế giới số trong các trải nghiệm tiêu dùng, mô hình kinh doanh hoặc sản phẩm. Phygital thể hiện sự tương tác giữa thế giới thực (như cửa hàng, sản phẩm vật lý) và thế giới số (như ứng dụng di động, trang web, trải nghiệm trực tuyến).
Ví dụ về sự ứng dụng của vật lý số có thể là cửa hàng có trải nghiệm mua sắm kết hợp giữa việc thử sản phẩm trực tiếp và sử dụng ứng dụng di động để tra cứu thông tin sản phẩm hoặc để thanh toán. Hoặc các chiến dịch tiếp thị dùng vật lý số kết hợp quảng cáo trực tiếp và tương tác trực tuyến để tạo ra trải nghiệm tương tác đa dạng cho người dùng…
Một lĩnh vực đầy tiềm năng khác của kinh tế số cần được đầu tư phát triển mạnh tại Việt Nam là quản lý dữ liệu và phân tích dữ liệu. Khả năng quản lý và phân tích lượng lớn dữ liệu (big data) trong thời đại Internet hiện nay được xem là “bí kíp” trong các quyết định kinh doanh thông minh, quản lý xã hội và phát triển kinh tế…