Sáng ngày 17/11, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổi chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025. 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".

Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

"Công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Theo quan sát, nhằm đưa đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian vừa qua đã có sự tiếp sức không nhỏ của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Vai trò bà đỡ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhìn thấy rõ nhất tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác. Trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.

W-hoptac.png

Kết quả 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản năm 2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%).

Và theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Còn tính về tỷ lệ hộ nghèo (không theo giảm nghèo đa chiều), Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%).

Theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều HTX, tổ hợp tác đã và đang làm tốt vai trò hình thành, phát triển góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi thông qua tạo việc làm và thu nhập. Có HTX thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sức mạnh.

Lào Cai- địa phương có 4 huyện nằm trong danh sách 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg thuộc 28 tỉnh, thời gian vừa qua đã ghi nhận hiệu quả tích cực từ mô hình kinh tế HTX đã góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt có những HTX mà người sáng lập chính là đồng bào dân tộc thiếu số đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho nhiều lao động ở địa phương.

Thành lập năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ xã Vĩnh Yên có 11 thành viên. Mỗi năm, HTX chiết xuất được 70 lít tinh dầu quế và sả đạt 4 sao OCOP, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành miền núi phía Bắc, doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. 10 lao động là chị em người Tày, người Mông đang làm việc cho HTX với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Có được thành công như ngày hôm nay là nhờ công lớn của chị Lò Thị Liên - người sáng lập và chèo lái đưa HTX phát triển. "Hợp tác xã thấy lợi thế từ cây quế, giá cả bán ra thị trường khá ổn định. Dựa trên thế mạnh đó, chúng tôi cũng thành lập HTX", chị Lò Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên cho biết.

Chọn cây quế để phát triển, anh Lý Văn Cầu, dân tộc Dao ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, luôn trăn trở vì đầu ra sản phẩm quế không ổn định. Và HTX Nông nghiệp Cầu Mây đã ra đời, trước hết là sơ chế sản phẩm quế của các thành viên, rồi tiến tới thu mua sản phẩm trong vùng, tìm hướng xuất khẩu. Không những góp phần ổn định thị trường quế của địa phương, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, không kể hàng trăm nhân công theo mùa vụ. "Ở nhà bây giờ ruộng đất không có, từ khi có HTX mở ra thì cuộc sống của chị em chúng tôi cũng ổn định hơn. Công việc cũng đều, tiền công thoả đáng cho chị em", chị Nguyễn Thị Thoa, thôn Tân Tiến, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên chia sẻ.

"Các HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện Bảo Yên hằng năm đều tạo việc làm cho khoảng 600 công nhân, lao động thời vụ, thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng", bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên nói.

Huyện Bảo Yên có 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 7 HTX mà người sáng lập là người dân tộc thiểu số. Năng động, sáng tạo, các HTX nông nghiệp đều đang hoạt động hiệu quả, vừa tạo việc làm cho cho bà con dân tộc thiểu số, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Cùng nằm trong vùng miền núi và trung du phía Bắc, Cao Bằng có 7 huyện trong danh sách 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg thuộc 28 tỉnh. Hiện tỉnh có 387 hợp tác xã, 581 tổ hợp tác với tổng số vốn điều lệ trên 850 tỷ đồng, trên 7.900 thành viên.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các thành viên HTX hoạt động khá hiệu quả. Phát triển du lịch trải nghiệm là một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại của huyện Bảo Lạc những năm qua. Xóm Khuổi Khon là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Lô Lô, nằm cách trung tâm huyện Bảo Lạc 16km, xóm có 62 hộ dân sinh sống với gần 300 nhân khẩu. Trước đây, 50% hộ trong xóm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay đầy tích cực.

Bên cạnh du lịch cộng đồng, huyện cũng tích cực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa. Điển hình như ở Cốc Pàng, một trong những xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất của huyện, chiếm trên 90%. Để nâng cao đời sống cho người dân, Cốc Pàng đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương như cây hồi, quế, sa mộc...

Nhờ đó vùng biên Bảo Lạc sau nhiều năm khó khăn, nay đã có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội.

Không chỉ đời sống người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, "có của ăn, của để" mà  đặc biệt, hợp tác xã đã góp phần rất lớn trong đào tạo nghề cho bà con dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Nhờ vậy, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn xấp xỉ 5%.

Bởi vậy, bước vào giai đoạn phát triển mới, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục được xác định là một thành phần kinh tế quan trọng trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

CTV, Mai Hương và nhóm PV