Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất.
Theo đó, vào khoảng 21h49 (giờ GMT) ngày 4/4 (tức 4h49, giờ Hà Nội ngày 5/4), một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.882 độ vĩ Bắc, 108.274 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động của hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến hoạt động động đất xảy ra sớm hơn.
Các chuyên gia cảnh báo, động đất kích thích có thể kéo dài ở khu vực này, liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện.
Viện Vật lý Địa cầu cho hay, trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Các trận động đất tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người. Tuy nhiên, các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh (Viện Vật lý Địa cầu), đơn vị thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được.
Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó.
"Thông tin cảnh báo khu vực này có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó đã là rất tốt rồi. Bởi từ thông tin này, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà dân... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo.
Điều quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp đến là vấn đề giáo dục về các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Phải tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra", TS Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Độ lớn của động đất Độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter, trong đó: Từ 1 - 2: Không nhận biết được. Từ 2 - 4: Có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại. Từ 4 - 5: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể. Từ 5 - 6: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt. Từ 6 - 7: Nhà cửa bị hư hại nhẹ. Từ 7 - 8: Động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất. Từ 8 - 9: Nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng. Trên 9: Rất hiếm khi xảy ra. |