Mỗi sáng sớm hay chiều tối, hàng nghìn con cò nhạn quý hiếm bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh huyên náo trong khu vườn rộng của ông Lê Văn Chìa (thường gọi Hai Chìa, 75 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).
Nhiều người chứng kiến đàn chim quý này, nhầm tưởng là chim nuôi của nhà ai, tuy nhiên đây hoàn toàn là vườn chim tự nhiên.
Đàn cò nhạn quý hiếm trong khu vườn của lão nông Hai Chìa |
Nói về các loại chim trong khu vườn, ông Hai Chìa kể, cách đây khoảng 14 năm, một đàn vạc hàng trăm con bay đến đậu trong vườn nhà ông.
Ban đầu, ông nghĩ đàn vạc này chỉ trú tạm vài hôm. Tuy nhiên, chúng không đi hẳn mà bay về, làm tổ đẻ trứng ngày càng nhiều hơn.
Lúc này, ông Hai Chìa nghĩ có lẽ do 'đất lành chim đậu' nên quyết tâm bảo vệ đàn cò. “Mỗi ngày sáng sớm và chiều tối khu vườn của tôi rộn ràng hẳn lên. Đàn cò bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh phành phạch làm xôn xao cả vùng”, ông Hai Chìa cười nói.
Cận cảnh con cò nhạn hay con gọi cò ốc quý hiếm trong vườn ông Hai Chìa |
Ông kể thêm, ban đầu, đàn cò làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn, măng cụt làm cây giảm năng suất. Sau đó, số lượng chim, cò về trú ngụ ngày càng nhiều làm vườn cây lụi tàn và đến nay 15 công vườn của ông bỏ hoang.
“Hồi đó, chim chưa về, thu hoạch từ vườn nhãn, măng cụt giúp tôi nuôi mấy đứa con ăn học. Từ lúc chim về gia đình tôi thất thu mỗi năm cả trăm triệu, nhưng đổi lại mình bảo vệ được đàn chim quý”, ông nói.
Ông Hai Chìa nói, từ Tết nguyên đán đến nay có hàng nghìn con cò nhạn hay còn gọi cò ốc quý hiếm bay về cư trú và làm tổ trong khu vườn bỏ hoang của ông.
“Lúc đầu chỉ một nhóm nhỏ cò nhạn bay về, từ từ chúng kéo về ngày đông hơn. Có lúc mỗi ngày bay về 3-4 đợt, kín cả bầu trời”, ông Hai Chìa kể.
Mỗi sáng sớm hay chiều về, đàn cò hàng nghìn con trong vườn ông Hai Chìa bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh huyên náo cả một vùng |
Theo lời ông Hai Chìa, hiện trong vườn của ông có khoảng 4.000 cò nhạn, khoảng 2.000 con vạc, khoảng 1.000 cồng cọc, số còn lại là cò trắng, bìm bịp, quốc...
Do có nhiều người thường xuyên lẻn vào vườn bắn cò trưởng thành và hốt ổ trứng... nên ngày đêm ông Hai Chìa phải đi tuần tra bảo vệ.
“Chạng vạng tối nào cũng vậy, tôi ôm võng, mùng mền ra vườn nằm canh đuổi trộm cò”, ông Hai Chìa nói.
Ông cũng làm nhiều bẫy trong vườn, khi trộm vào vướng bẫy sẽ phát ra tiếng động để chim bay đi hoặc ông nghe, kịp thời chạy ra ứng cứu.
Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều, ông Hai Chìa lại mang võng, mùng mền ra vườn ngủ bảo vệ đàn cò |
Bà Lê Thị Thôi (73 tuổi, vợ Hai Chìa) kể: “Nhà chỉ có hai vợ chồng già sinh sống, mà tối nào ổng cũng ra vườn canh trộm để lại mình tôi. Vừa rồi, vợ chồng tôi đi điều trị bệnh ở Cần Thơ, người ta lợi dụng vô bắt trộm cò nhiều lắm”, bà kể.
Ông Hai Chìa cho biết thêm, nhiều lần ông bắt được kẻ gian lẻn vào bắn cò trưởng thành và bắt trộm cò con.
Cò nhạn có trọng lượng khoảng 1-1,5kg, chim trưởng thành có chiều cao lên đến 50cm, chiều dài sải cánh khoảng 1m |
|
Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ cho biết, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, trong đó có lực lượng công an thường xuyên theo dõi và hỗ trợ ông Hai Chìa bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm trước nạn săn bắt trộm.
UBND xã cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương biết, cò nhạn trong vườn ông Hai Chìa là loại quý hiếm, nằm trong sách đỏ và cấm săn bắt trái phép.
Loài cò nhạn có tên khoa học là Anastomus oscitans, là một loài chim thuộc họ Hạc. Đây là động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam bộ và Tây Ninh. Cò nhạn chủ yếu có màu trắng, đôi cánh màu đen bóng, đuôi có ánh lục hay tía, mỏ xám sừng hơi lục, chân hồng, vàng nhạt hay nâu nhạt. |
Cụ rùa 100 tuổi ăn chay, nghe kinh Phật trong chùa ở miền Tây
Chùa Phước Kiển tọa lạc ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp nổi tiếng với chuyện ly kỳ về các cụ rùa hơn 100 tuổi thích ngủ mùng, ăn chay và nghe kinh Phật.
Thanh Sang