Sau 4 năm cung cấp dịch vụ tài chính – bảo hiểm, siêu ứng dụng MoMo vừa thông báo cán mốc 10 triệu người dùng. Mức độ tăng trưởng của nhóm dịch vụ này hiện thuộc top đầu trong các nhóm dịch vụ của MoMo với tốc độ tăng gấp 3-5 lần mỗi năm.
Ra mắt lần đầu với dịch vụ thanh toán khoản vay, từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay nền tảng MoMo đã giúp 4 triệu người dùng tiếp cận khoản vay, 3 triệu người mua các sản phẩm bảo hiểm và hơn 4 triệu người dùng sử dụng các dịch vụ đầu tư tích lũy. Trong đó, 60% người dùng của startup này sử dụng từ 2 dịch vụ tài chính trở lên đều đặn hằng tháng.
Tại Việt Nam, MoMo là nền tảng công nghệ đầu tiên mạnh dạn mở đường đưa các dịch vụ tài chính vốn còn khá xa lạ với người dùng lên ví điện tử từ năm 2018.
Đây là đơn vị đi tiên phong trong việc kết hợp với hầu hết các tổ chức tài chính, góp phần trong việc hình thành hệ sinh thái tài chính số và đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, mảng tài chính - bảo hiểm của MoMo đang cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán khoản vay, sàn đầu tư, ví trả sau, mua bảo hiểm và điểm tin cậy (hoạt động theo cơ chế chấm điểm người dùng).
Không chỉ thay đổi cách cung cấp các dịch vụ tài chính so với truyền thống, nền tảng số của startup này đã góp phần xóa bỏ rào cản thủ tục, điều kiện, rút ngắn thời gian và gia tăng cơ hội tiếp cận của người dùng tới các dịch vụ tài chính.
Từ đây, các dịch vụ tài chính có thể “chạm” đến nhiều tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả các đối tượng người dùng có thu nhập trung bình thấp, doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ và nhất là nhóm người dùng trẻ yêu thích công nghệ
Việc cán mốc 10 triệu người dùng mảng tài chính - bảo hiểm là bước phát triển tiếp theo của MoMo sau khi startup này hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư 200 triệu USD.
Ở vòng gọi vốn này, mức định giá đối với MoMo được đẩy lên hơn 2 tỷ USD. Nhờ vậy, MoMo đã trở thành startup kỳ lân (startup công nghệ định giá hơn 1 tỷ USD) thứ 3 của Việt Nam sau VNG và VNPAY.
Hiện MoMo có hơn 1.600 nhân viên với trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và các văn phòng tại Hà Nội và Đà Nẵng. Công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) này có khoảng 31 triệu người dùng với hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Startup trong lĩnh vực Fintech này đang hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam.
Theo hãng nghiên cứu và tư vấn McKinsey & Company, năm 2021, tỷ lệ người dùng dịch vụ của Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam hiện đạt 56%, tăng từ mức 16% năm 2017. Quy mô hệ sinh thái số Việt Nam ước đạt 50 tỷ USD và có thể tăng gấp đôi lên 100 tỷ USD vào năm 2025.
Trọng Đạt