Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội và đã trải qua hơn 20 trong nghề giáo. Cô Hoa cho biết, lớp học của cô gần như năm nào cũng có học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

“Bản thân tôi không được đào tạo chuyên sâu về giáo dục học sinh đặc biệt nên phải tự tìm tòi cũng như nghiên cứu thêm tài liệu để chắc chắn mình đang đi đúng hướng. Khi có tiết trống, tôi tận dụng tối đa thời gian lên dự giờ để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ giáo viên dạy trẻ đặc biệt ở trường sư phạm”, cô Hoa nói.

tieu hoc nguyen trai4.jpeg
Cô Hoa cùng học sinh trong lớp. Ảnh: NVCC.

Cô Hoa chia sẻ, học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi bước vào lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn trong học tập cũng như hòa nhập với các bạn và tự phục vụ bản thân…

Không những thế, một số cha mẹ không thừa nhận tình trạng bệnh của con, trong khi có những phụ huynh không muốn con mình chung lớp với học sinh tự kỷ.

“Với học sinh đặc biệt, tôi sử dụng phương pháp vừa học vừa chơi, không quát mắng. Có những em trong lớp tự cắn tay, đập đầu vào tường, tôi phải nhờ giáo viên khác trông lớp, dắt học sinh đi quanh hành lang để các em bình tĩnh trở lại. Sau mấy phút, tôi có thể đưa các em vào thư viện, đọc truyện cho nghe, hay cô trò cùng quay video...", cô Hoa kể.

Cô cho biết, với những học sinh này, cô không dạy thuật ngữ, mà dạy bằng trò chơi. Ví dụ, khi nói viết chữ cao 3 li, 4 li, học sinh không hiểu được. Vì thế, với chữ d cao 4 li, cô cho các con trở thành các kĩ sư thiết kế nhà 4 tầng... Đối với môn toán, cô giáo cũng thay đổi các hình thức dạy: làm mẫu, sử dụng trực quan, áp dụng Al vào dạy học để tăng tính sinh động, đưa học sinh thành nhân vật của trò chơi.

tieu hoc nguyen trai3.jpeg
Học sinh của cô Hoa trong giờ ra chơi. Ảnh: NVCC.

Trong suốt hành trình giúp đỡ học sinh đặc biệt, cô Hoa nhớ nhất một em tên H: “Tôi nhớ ngày đầu tiên gặp H, tôi hỏi 'con tên gì', bé trả lời tên của bố. Sau nhiều lần hỏi, tôi dạy bé rằng 'tên con là H.' dần dần con mới quen".

Cô Hoa khích lệ H. tham gia các hoạt động chung của lớp, đồng thời hướng dẫn các bạn khác trong lớp quan tâm, dẫn H. ra sân chơi cùng. 

"Bạn nào làm tốt sẽ được nhận quà, bạn nào chưa hoàn thành tôi nhắc nhở để học sinh có tính tự giác - cả trong việc giúp bạn và học tập. Phụ huynh của các con học đại trà ban đầu phản đối việc con họ học với bạn hòa nhập nhưng khi thấy trẻ tự giác giúp đỡ bạn, tự giác học thì đã thay đổi và chia sẻ, cảm thông với bố mẹ có con mắc bệnh”, cô Hoa bộc bạch.

Sau quá trình dài cố gắng, dần dần H. tự đi vệ sinh, tự ra chơi chung với các bạn, rồi biết cất gối sau khi ngủ dậy, biết cất dép đúng nơi quy định. 

tieu hoc nguyen trai2.jpeg
Cô Hoa luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy để có tiết học sinh động. Ảnh: NVCC

Với cô Hoa, trong việc dạy và chăm sóc trẻ đặc biệt, niềm vui lớn nhất là khi thấy các em làm được những việc bình thường như tự chơi, tự cất dép đúng chỗ, tự biết gấp chăn sau khi ngủ dậy...

Cô nhớ hồi 2011, khi mình tròn 30 tuổi và đảm nhận một lớp học khoảng 50 học sinh, trong lớp có em Đ. bị tự kỷ, chân tay yếu, đi đứng không vững. Thương cảm với hoàn cảnh không may mắn của Đ. khi cùng lúc mắc 2 căn bệnh, cô Hoa thường dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc em. 

Giờ cơm trưa, cô dạy Đ. cầm thìa xúc cơm, cầm cốc uống nước… Khi học bài, cô uốn nắn con từng nét chữ, chữ số. Lúc Đ. cần đi vệ sinh, chính cô cõng em vào toilet. Khi tan trường, các bạn khác được bố mẹ đón về thì cô Hoa bắt đầu lên lớp dạy Đ. “ê, a” đọc bài, làm toán và một số kỹ năng sống... Đ. nay đã lớn, mọi kỹ năng sống qua năm tháng rèn luyện đã tốt hơn nhiều, thành tích học tập của em cũng rất khả quan.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2024, cô Hoa được Sở GD-ĐT Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”. Trong thời gian tới, nữ giáo viên mong muốn tiếp tục chia sẻ cũng như học hỏi kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để giúp học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ tự tin, thích nghi, hòa nhập với môi trường tốt hơn nữa...

Chế giễu học sinh tự kỷ, hiệu trưởng từ chức

Chế giễu học sinh tự kỷ, hiệu trưởng từ chức

 Một giáo viên tiểu học ở Michigan (Mỹ) đang đứng trước nguy cơ bị sa thải khi dùng điện thoại quay lại cảnh một học sinh tự kỷ bị mắc kẹt trong chiếc ghế mà không hề có hành động giúp đỡ.