Lương khởi điểm 9,5 tỷ đồng/năm

Tốt nghiệp Đại học Stanford, Rahul Pandey gia nhập Pinterest (Website dưới dạng mạng xã hội hình ảnh) được 2,5 năm. Năm 2017, anh đầu quân về Facebook (công ty con của Meta) với tư cách là kỹ sư phần mềm. Lựa chọn Meta vì anh nhận được lời đề nghị hấp dẫn và có cơ hội phát triển tiềm năng.

Mức lương Facebook chiêu mộ Rahul năm đầu tiên là 390.000 USD (9,5 tỷ đồng), trong đó, lương cơ bản 170.000 USD (4,1 tỷ đồng), thưởng hợp đồng 45.000 USD (1 tỷ đồng), thưởng cổ phiếu 150.000 USD (3,6 tỷ đồng) và thưởng hàng năm 15%.

ky su fb.jpeg
Bảng thu nhập cá nhân trong 5 năm làm việc của Rahul - cựu kỹ sư phần mềm cao cấp tại Facebook.  Ảnh: NetEase

Gia nhập Facebook, Rahul gặp nhiều khó khăn phải vật lộn để thích nghi với môi trường và văn hóa công ty. Anh dành nhiều thời gian ở văn phòng để cố gắng làm chủ cơ sở mã lớn. Sau thời gian nỗ lực, Rahul được thăng chức lên vị trí kỹ sư cấp cao - E5 tại Facebook.

Thay vì tận hưởng niềm vui, anh áp lực vì cần có thêm đóng góp cho công ty. Nhận thấy cơ hội phát triển bản thân, anh tận dụng sự hợp tác với đồng nghiệp và các trưởng nhóm công nghệ, tìm cách cải thiện hiệu suất công việc.

Cuối cùng, Rahul cũng hiểu cách kết nối với đồng nghiệp trong công ty. Điều này, giúp anh tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và nhận đánh giá 'vượt quá mong đợi' - tiêu chí chỉ 10% kỹ sư Facebook được trao tặng. 

Liên tục học hỏi và luôn đề cao kỹ năng làm việc nhóm, Rahul không chỉ tập trung cống hiến, còn tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Sau 2 năm, anh xây dựng thành công nguyên tắc nội bộ giúp các kỹ sư tiết kiệm thời gian viết mã. 

ftfzrjcauaagfy0.jpg
Rahul - cựu kỹ sư phần mềm cao cấp của Facebook, từ bỏ công việc mức lương 830.000 USD/năm (20 tỷ đồng). 

Vừa có kiến thức nghề nghiệp, vừa sở hữu năng lực lãnh đạo, Rahul được thăng lên các bậc cao hơn của kỹ sư. Cuối năm 2019, anh góp mặt trong danh sách 'vượt quá mong đợi' lần hai. Khi đại dịch bùng phát, Rahul lại đối mặt với loạt thách thức mới. Nhờ các kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy, anh giải quyết được khó khăn và đạt được mục tiêu đề ra. 

Facebook ghi nhận sự cố gắng của Rahul bằng cách tăng tiền lương cơ bản lên 231.000 USD/năm (5,6 tỷ đồng) và cộng thêm khoản thưởng cổ phiếu trị giá 250.000 USD (6 tỷ đồng). Sau 3 năm, tổng số cổ phiếu tích lũy của anh sở hữu là 400.000 USD (9,7 tỷ đồng).

Top 1 người thu nhập cao, mức lương 20,1 tỷ đồng/năm

Năm 2021, thu nhập cả năm của Rahul 830.000 USD (20,1 tỷ đồng). Sau 5 năm, cổ phiếu tích lũy của anh là 600.000 USD (14,5 tỷ đồng). Tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ngoài lương cơ bản, nhân viên được thưởng thêm cổ phiếu tích lũy để đánh dấu nỗ lực sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

002 ky su fb.jpeg
Trong 5 năm làm việc tại Facebook, Rahul thu về 600.000 USD (14,5 tỷ đồng) cổ phiếu tích lũy vì nhận được đánh giá 'vượt quá mong đợi'. Ảnh: NetEase

Do đó, tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng toàn bộ thu nhập của Rahul là 1,5 triệu USD/năm (36,4 tỷ đồng). Thời điểm này, anh được xếp vào top 1 những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ.

Đầu năm 2022, từ bỏ mức lương triệu USD vì áp lực công việc và mâu thuẫn với đồng nghiệp không thể giải quyết. Anh rời vai trò kỹ sư cấp cao tại Facebook, sau đó thành lập công ty riêng chuyên tư vấn doanh nghiệp, chia sẻ kiến thức và tập trung vào nền tảng YouTube. 

Kinh nghiệm đạt mức lương triệu USD

Chia sẻ quá trình đạt mức lương triệu đô, Rahul cho biết mục tiêu đầu tiên vào Facebook là đảm nhiệm vị trí kỹ sư cấp cao ít nhất 2 năm: "Đây là cơ hội để tôi xây dựng niềm tin và nền tảng kiến thức sẵn sàng đối mặt với thách thức trong tương lai. Sự kiên trì, gắn bó và đóng góp tích cực cho công việc là cánh cửa giúp tôi thăng tiến".

Ngoài ra, sự thấu hiểu và kết nối với đồng nghiệp cũng giúp anh nhận ra vấn đề và xây dựng chiến lược làm việc bài bản. Các buổi chia sẻ là cầu nối giúp mối quan hệ giữa Rahul và đồng nghiệp bền chặt. Nhờ vậy, anh biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để xây dựng lộ trình phát triển hợp lý. 

Là cựu kỹ sư phần mềm cao cấp của Facebook từng rất thành công, Rahul chia sẻ câu chuyện của bản thân để giúp mọi người có thêm động lực. Hiện tại, nhiều kỹ sư phần mềm bị mắc kẹt trong công việc lâu, anh hy vọng chia sẻ này giúp họ có những thay đổi tích cực và ý nghĩa hơn.

Theo NetEase