“Đánh thức” Tây Nguyên

Đắk Lắk, Đắk Nông là 2 tỉnh của Tây Nguyên có nhiều dự án điện gió trong bản đồ năng lượng Việt Nam. Không chỉ là thủ phủ của boxit, vựa cây công nghiệp, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Tây Nguyên cũng đang được đánh thức.

{keywords}
Điện gió phát triển mạnh nhờ chính sách khuyến khích về giá. Ảnh: Lương Bằng

Ở hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, Đắk Lắk có những vùng đất khô cằn đầy nắng gió với nguồn bức xạ mặt trời cao gây khó khăn đối với sản xuất nông - lâm nghiệp, nhưng lại là thuận lợi rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng đầu tư khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Tháng 3/2019, cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn được khánh thành sau 6 tháng khởi công. Với công suất trên, mỗi năm cụm điện mặt trời này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kwh, thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới sẽ mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương này có đủ điều kiện để phát triển điện mặt trời lên đến 16.000MWP. Hiện tại, đã có 32 dự án điện mặt trời được lập và xin chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Cùng với phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Đắk Lắk cũng bắt đầu được khai mở với dự án đầu tiên là phong điện Tây Nguyên triển khai tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo với công suất 436MW, vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng.

Ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 3/2019, UBND tỉnh và các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện 5 dự án điện gió và điện mặt trời, tổng công suất 641 MW, tổng vốn đầu tư gần 21.000 nghìn tỷ đồng. Các dự án này đang được khảo sát, lập dự án, lắp đặt cột đo gió để thu thập số liệu lượng gió và bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh làm cơ sở triển khai.

Hàng xóm của Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông năm ngoái lần đầu tiên thu ngân sách đạt cao nhất từ khi thành lập.  

Từ tháng 10/2020, 6 dự án điện gió đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là những dự án điện gió đầu tiên của tỉnh và đều có quy mô lớn. Tổng công suất của 6 dự án là 430 MW, đều được triển khai tại huyện Đắk Song.

Khi các dự án đưa vào vận hành sẽ góp phần cung cấp cho điện lưới quốc gia, cũng như gia tăng độ ổn định cho hệ thống điện tỉnh Đắk Nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các dự án này tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 2022 của UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tổng thu toàn tỉnh đạt hơn 3.000 tỷ đồng và là mức cao nhất từ khi thành lập (2004) đến nay.

Tại huyện Đắk Song, nhiều năm qua nguồn thu ngân sách chủ yếu từ nông nghiệp, trong đó các cây trồng chủ lực gắn với vùng miền gồm hồ tiêu, cao su, cà phê, bơ và một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến gỗ, may mặc. Ngân sách của huyện 1 năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, trong khi chỉ tính riêng nếu 3 dự án điện gió trên đi vào hoạt động có thể nộp vào ngân sách 300 tỷ/năm.

Ngoài ra, các dự án sẽ góp phần thúc đẩy kích cầu các lĩnh vực dịch vụ, bởi một lượng lớn công nhân, người lao động đến địa phương làm việc.

Sự trỗi dậy của miền Trung

Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị đặt mục tiêu địa phương sẽ trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030, là một trong 3 trục chính phát triển kinh tế. Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 5.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trên 1.500 tỷ. Kỳ tích chưa từng có tại mảnh đất nắng gió này có sự góp phần quan trọng của điện gió.

Điển hình như huyện Hướng Hóa, lần đầu tiên huyện miền núi nghèo thu ngân sách vượt 5 lần so với kế hoạch.

{keywords}
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra tiến độ thi công nhà máy điện gió Gelex 1, tháng 3/2021. Ảnh: Báo Quảng Trị

Cụ thể, kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh giao mục tiêu thu ngân sách 52 tỷ nhưng Hướng Hóa đã đạt được điều không tưởng: tổng thu 255 tỷ.

Ngoài giá trị mang lại nguồn thu cho ngân sách, các dự án điện gió đã xây dựng 80km đường giao thông liên xã, đường giao thông dẫn tới dự án. Địa phương, người dân đều được hưởng lợi từ hạ tầng này. Các công trình phúc lợi, trường học… được xã hội hóa, có sự chung tay, góp sức của các chủ đầu tư.

Hướng Hóa có 29/31 dự án điện gió được đầu tư, trong đó có nhiều dự án với tổng vốn đầu tư cao; 19 dự án đã hoàn thành công tác thi công và hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 theo đúng cam kết; 10 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đầu tư, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của Quảng Trị đạt 6,5%, thu ngân sách được 5.080/3.450 tỷ đồng kế hoạch. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vì còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng điện gió trên đất liền, ngoài khơi, điện mặt trời.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, địa phương đang nỗ lực biến những bất lợi thành có lợi. Những chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đã được ban hành với mục đích ưu tiên năng lượng tái tạo, như điện gió. Tỉnh rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư... còn nhà đầu tư cũng làm thật, làm đúng cam kết.

Năm 2015, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có 4 dự án với tổng công suất 110MW. Nhưng để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió, với tổng công suất trên 4.030MW, trong đó 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất trên 1.177MW; 53 dự án với tổng công suất trên 2.853MW đã trình Bộ xem xét, bổ sung quy hoạch.

Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, hiện có 2 dự án với công suất 60MW đã hoạt động; 25 dự án với công suất 987,2MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai thi công.

Ông Hà Sỹ Đồng khẳng định, sau phê duyệt quy hoạch, Chính phủ đã xác định, Quảng Trị sẽ là một trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung. Không chỉ ở Hướng Hóa mà huyện Đakrông cũng được xác định là địa bàn tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo.

>> Kỳ tới - Phát triển năng lượng xanh, sạch: Sự quyết liệt của Chính phủ

Lương Bằng - Kiên Trung 

Từ COP26: Hành trình Việt Nam thành trung tâm sản xuất xanh của thế giới

Bài 1 - Từ COP26: Hành trình Việt Nam thành trung tâm sản xuất xanh của thế giới

Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới. Nhưng với những cam kết tại COP26, Việt Nam phải trở thành một trung tâm sản xuất xanh.