Tại triển lãm, hoạt động trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam được bố trí qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: năm 1957, năm 1981, năm 2002, năm 2020.
Tại đây, Bộ GD-ĐT đã chia các sách giáo khoa ra các giai đoạn 1957-1980, 1981 - 2001; 2002-2019; từ năm 2020.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Thanh Thúy (sinh năm 1978, Hà Nội) cho hay thế hệ chị học sách giáo khoa giai đoạn 1981-2001. Nay, được "gặp lại" những cuốn sách giáo khoa ngày đó, ký ức tuổi thơ như ùa về.
"Tôi rất vui khi được thấy lại những trang sách gắn liền với tuổi thơ. Sách giáo khoa giờ đây chất lượng tốt hơn, in màu đẹp hơn, thế nhưng những hình ảnh trong sách ngày xưa dù được vẽ tay vẫn rất đẹp. Những bài học trong sách giáo khoa xưa rất bình dị, dễ nhớ, dễ thuộc và đi vào lòng người. Tuy nhiên, cũng không thể nói sách giáo khoa bây giờ không bằng, bởi mỗi thời mỗi khác, phải bắt nhịp xu thế thời đại" - chị Thúy nói.
"Thời chúng tôi làm gì có chuyện mỗi người một bộ sách, anh chị em toàn dùng lại của nhau. Nhà tôi có 3 anh chị em, thế là cứ anh dùng xong thì để lại cho em, nhà mình dùng xong lại mang đi cho anh em họ hàng".
Anh Ngô Sỹ Điền (sinh năm 1983, Hà Nội) chia sẻ hôm nay nhìn lại những trang sách này thật sự xốn xang, bồi hồi.
"Gặp lại những cuốn sách đã xa hơn 30 năm mà vẫn có một cảm giác thân quen. Mỗi một trang sách, từng bài đọc, câu thơ trong sách giáo khoa đều gắn với và là một phần của tuổi thơ chúng tôi. Khi tôi giở từng trang sách ra, ký ức ngày còn đi học như hiện về. Những bài học xưa nuôi dưỡng tuổi thơ và vẫn in sâu trong tâm trí tôi cho tới ngày hôm nay" - anh Điền xúc động bày tỏ.
Dưới đây là một số hình ảnh trong triển lãm
Sách giáo khoa giai đoạn 1957-1980:
Sách giáo khoa giai đoạn 1981-2001:
Sách giáo khoa giai đoạn 2002-2019:
Sách giáo khoa giai đoạn từ năm 2020:
Hiện nay, SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông; SGK mới lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định; SGK mới lớp 5, lớp 9, lớp 12 đang được các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Về đội ngũ tác giả biên soạn, theo Bộ GD-ĐT, chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn.
Cụ thể, có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Huế.
3 tổ chức biên soạn SGK gồm Công ty CP Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty CP Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam VICTORIA.
Các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình giáo phổ thông 2018.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp (Lớp 1: 221 tác giả; Lớp 2: 199 tác giả; Lớp 3: 234 tác giả; Lớp 6: 276 tác giả; Lớp 7: 318 tác giả; Lớp 10: 382 tác giả).
Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn SGK và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết SGK theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.
Trong ngày 29/9, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức hội thảo về sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa. Từ đó, đưa ra các đề xuất, những định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông.